Trong khi phần lớn nhà văn, họa sĩ, ca sĩ đều phản đối việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật, lo rằng máy móc sẽ lấy đi công việc và bóp méo sự sáng tạo của con người thì ca sĩ Grimes lại đồng tình.

“Tôi nghĩ thật tuyệt khi được hợp nhất với một cỗ máy và tôi thích ý tưởng mở nguồn tất cả nghệ thuật, loại bỏ bản quyền”, Grimes tuyên bố trên Twitter. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục công khai ủng hộ sử dụng AI trong âm nhạc bằng loạt bài viết khác.

Nữ ca sĩ Grimes ủng hộ sử dụng AI trong âm nhạc. Ảnh: AP

Theo Billboard, điều này cho thấy nữ ca sĩ đang cố gắng làm mờ ranh giới giữa con người và máy móc trong âm nhạc, đồng thời định hình lại các rào cản bản quyền truyền thống đã tồn tại hơn nửa thế kỷ với ngành công nghiệp thu âm.

Nói về việc bản nhạc Heart on my sleeve dùng giọng hát do AI tạo ra dựa trên giọng của Drake và The Weeknd bị gỡ khỏi hàng loạt nền tảng phát trực tuyến, Grimes cho rằng cô sẵn sàng ủng hộ fan nếu họ tạo ra sản phẩm xứng đáng.

“Tôi sẽ chia 50% tiền bản quyền cho bất kỳ bài hát nào do AI tạo ra, sử dụng giọng hát của tôi”, Grimes khẳng định.

Lập trường của ca sĩ này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Universal Music Group, hãng thu âm đã lên án mạnh mẽ “nội dung vi phạm được tạo ra bằng AI”.

Grimes là một nữ ca sĩ, nhạc sĩ người Canada. Cô hát nhiều thể loại nhạc khác nhau, từ dream pop, synth-pop đến electro-pop.

Tuy nhiên, công chúng biết đến Grimes nhiều hơn với tư cách bạn gái của tỷ phú Elon Musk - ông chủ Tập đoàn Tesla, SpaceX và luôn đứng ở top đầu danh sách những người giàu nhất thế giới trong nhiều năm qua. Cả hai gắn bó với nhau trong khoảng 3 năm và có 2 con chung. Đến tháng 9/2021 thì mối quan hệ này chấm dứt, theo Vulture.

Một MV thể hiện phong cách âm nhạc đặc trưng của Grimes:

Sự bùng nổ của AI gần đây đã khiến ngành công nghiệp âm nhạc bối rối. Bằng chứng điển hình là The Recording Academy, tổ chức đứng sau giải thưởng âm nhạc Grammy, sửa đổi quy định về việc dùng AI trong các tác phẩm dự giải.

Vào tháng 6, tổ chức này tuyên bố cấm các sản phẩm âm nhạc tạo ra hoàn toàn bằng AI tranh giải Grammy lần thứ 66, “chỉ những nhà sáng tạo là con người” mới có thể được xem xét, đề cử hoặc tranh giải. Một tác phẩm không có quyền tác giả là con người sẽ không đủ điều kiện có mặt trong bất kỳ hạng mục nào.

Harvey Mason Jr, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành The Recording Academy xuất hiện tại lễ trao giải Grammy lần thứ 63. Ảnh: AP

Nhưng chưa đầy một tháng sau, đích thân Chủ tịch kiêm CEO The Recording Academy, Harvey Mason Jr giải thích rằng các nghệ sĩ sử dụng AI để tạo ra tác phẩm âm nhạc vẫn được tranh giải.

Trao đổi với AP, ông cho biết nếu giọng hát chính của một bản nhạc được tạo ra bằng AI thì tác phẩm đó có thể đủ điều kiện tranh giải trong hạng mục sáng tác chứ không phải hạng mục trình diễn.

Ngược lại, trong trường hợp ca sĩ thật thể hiện bài hát được viết nhạc nền hoặc lời bởi AI  có thể xem xét trong hạng mục trình diễn nhưng tác phẩm không được đánh giá ở hạng mục sáng tác lời hoặc soạn nhạc.

“Miễn là con người đóng góp nhiều hơn mức tối thiểu, điều mà chúng tôi cảm thấy có nghĩa thì họ sẽ luôn được xem xét để đề cử hoặc giành chiến thắng”, Harvey Mason tuyên bố.

Nguyễn Hiếu (Theo Billboard, AP)