Bộ sưu tập mới nhất gây chú ý khi lấy cảm hứng sáng tạo từ những cô gái "bán hoa" ở Nhật Bản. Cơ duyên nào dẫn anh đến với đề tài độc đáo này?
Quá trình thay đổi từ những bé gái 4-5 tuổi ở ngôi làng Yoshiwara bị bán đi bởi chính gia đình mình và sau đó trở thành những kĩ nữ thuần thục đánh cờ, nhảy múa, ca hát và bán hoa đã làm tôi động lòng thương cảm. Tôi quyết định kể lại câu chuyện đó với góc nhìn và ngôn ngữ thời trang của riêng mình.
Một số thiết kế trong bộ sưu tập mới nhất mang tên Warriors in Yoshiwara - lấy cảm hứng từ những cô gái "bán hoa" Nhật Bản của NTK Cường Đàm. |
Bộ sưu tập Warriors in Yoshiwara được thực hiện trong 9 tháng ròng. Với mỗi bước thực hiện, tôi đều dành 200% sức lực nên đây là những gì tâm huyết nhất.
Thông điệp tôi muốn truyền tải là hình ảnh những cô gái "bán hoa" dù mang bao nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn nhưng họ vẫn luôn mang trong mình tinh thần của một chiến binh, luôn nỗ lực để trở thành một Oiran - ngôi vị cao nhất trong ngôi làng Yoshiwara. Từ đó, họ có thể giải phóng bản thân khi được tự do về thể xác và tinh thần.
Bỏ lại tấm bằng 5 năm học Kiến trúc, học bổng du học, cùng giải thưởng festival kiến trúc toàn quốc, anh bất ngờ rẽ hướng sang thời trang. Lời giải cho sự liều lĩnh này là gì?
Tôi nghĩ điều gì xảy đến với cuộc đời mình cũng là một cái duyên, thời trang đến với tôi cũng vậy. Sau 5 năm thử sức với môi trường kiến trúc, tôi nhận ra thời trang mới chính là những gì mình thực sự phù hợp.
Không phải là một sự bộc phát bồng bột mà tình yêu đó đã được nuôi dưỡng trong tôi từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi yêu thích vải vóc và công việc làm đẹp cho những người phụ nữ. Với tôi, không có điều gì hạnh phúc hơn là được nhìn họ xinh đẹp và tự tin trong những thiết kế của mình.
Xây dựng thương hiệu riêng với kiến thức thời trang là con số 0, quá trình này hẳn không tránh khỏi những va vấp?
Thời điểm mở cửa hàng đầu tiên, tôi chưa có bất kì kiến thức nào. Tất cả những gì thực hiện đều dựa trên bản năng. Tôi loay hoay đi chợ vải, tìm xưởng gia công nhưng vì không có ai hướng dẫn nên những sản phẩm làm ra rất thô sơ. Tôi tự mày mò tất cả từ những sản phẩm đơn giản nhất như áo crop top, chân váy bút chì nhưng mọi thứ quá bỡ ngỡ đối với một sinh viên kiến trúc từ chất liệu, phom dáng, thiết kế.
Hồi ấy, với lượng kiến thức và kinh nghiệm ít ỏi, những sản phẩm được bán tại cửa hàng chỉ đủ tiền để thuê nhà. Tôi đã phải chật vật trong suốt một năm đầu tiên để có thể biết đối tượng khách hàng của mình là ai và cần làm gì để thu hút họ. Nhưng rồi không thu được kết quả nào.
NTK Cường Đàm khởi nghiệp thời trang từ con số 0 khi mới tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc. |
Anh đã vượt qua những khủng hoảng ra sao?
Giai đoạn khó khăn nhất mà tôi gặp phải là khoảng thời gian một năm trước, lúc đó tôi gần như kiệt quệ về tài chính và thời gian cho cả công việc và học tập. Lúc đó, số tiền trong tài khoản dần về con số 0, công việc trì trệ và tôi thậm chí còn cảm thấy không còn đủ sức để có thể tiếp tục theo học.
Nhưng trong chính những ngày khó khăn nhất, tôi đã tìm ra hướng đi mới, tôi mong muốn tìm đến thị trường cao cấp hơn với những sản phẩm được đầu tư chất xám và độ hoàn thiện cao.
Trong 3-4 tháng đó, tôi nhận ra khó khăn này chính là cơ hội để tôi cùng đồng sự bứt phá. Chúng tôi đã tạo ra một bộ sưu tập với chiến lược chu đáo và bài bản hơn. Kết quả đã vượt ngoài dự đoán của tất cả. Đó đã là một bước tiến mới.
Anh cho rằng vì sao khách hàng phải lựa chọn các sản phẩm thiết kế của mình?
Có rất nhiều yếu tố: Sự chuyên nghiệp, sáng tạo, thức thời và tận tụy. Bên cạnh đó, quan niệm về cái đẹp của tôi đã được nâng tầm. Tôi bây giờ tìm kiếm vẻ đẹp thời trang đương đại, thông minh, chứ không đơn thuần nằm trong 2 từ “vừa mắt”.
Người mẫu Khánh Linh trong thiết kế của Cường Đàm. |
Thời trang là chuyên ngành học của giới nhà giàu. Mỗi lần làm đồ án hay ra mắt bộ sưu tập đều tiêu tốn cả "núi" tiền. Người trẻ ít tiền thì khó lòng trụ được. Nhận định này liệu có đúng?
Tôi đã từng là một nhà thiết kế đi lên từ con số 0. Để có ngày hôm nay tôi cũng như bao bạn trẻ khác phải nỗ lực rất nhiều. Chính những khó khăn của những ngày ban đầu đó tôi luyện nên Cường Đàm của ngày hôm nay. Vì vậy, kinh tế không phải là giới hạn để các bạn có thể tìm đến với giấc mơ thời trang của chính mình.
Anh thay đổi thế nào so với ngày đầu vào nghề?
Cuộc sống của tôi thay đổi nhiều. Tôi ý thức hơn với danh xưng nhà thiết kế. Tôi bắt buộc phải tìm hiểu và học hỏi về thời trang mỗi ngày, từ lịch sử đến xu hướng thời trang. Quá trình này sẽ không dừng lại cho đến khi tôi dừng lại với nghề.
Tôi nỗ lực, cống hiến hết mình với công việc mỗi ngày, không cho phép bản thân ngừng sáng tạo và tìm kiếm những điều mới.
Ông bố có con đỗ Harvard: 'Tôi thường bị chê viển vông khi dạy con'
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Vũ Cân - bố nữ sinh Nguyễn Đình Tôn Nữ, người đã trúng tuyển ĐH Harvard cách đây 3 năm.
Huy Vũ