Con nhà nòi, được lên sân khấu từ trong bụng mẹ
NSND Kim Cương sinh năm 1937 tại TPHCM. Bà lớn lên trong một gia đình nề nếp, giàu truyền thống nghệ thuật. Mẹ NSND Kim Cương là NSND Bảy Nam - người được mệnh danh là "Tổ nghề sống" của sân khấu cải lương Nam Bộ (cùng với NSND Phùng Há). Bố bà là bầu gánh Đại Phước Cương, một trong những ông bầu quyền lực của sân khấu cải lương.
Năm 7 tuổi, vai diễn chính thức đầu tiên của Kim Cương là Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt, do chính NSND Bảy Nam viết kịch bản. Sở hữu vẻ ngoài lanh lợi, thông minh cùng tài diễn xuất tự nhiên, nữ nghệ sĩ nhận được nhiều lời khen từ khán giả và người làm nghề.
Năm 9 tuổi, bố NSND Kim Cương - ông bầu Đại Phước Cương qua đời do bệnh nặng. Mẹ bà là nghệ sĩ Bảy Nam một mình vừa nuôi ba con nhỏ vừa gồng gánh trên vai miếng cơm manh áo cho những anh chị em còn lại trong đoàn hát. Một năm sau đó, Kim Cương rời xa mẹ, về Sài Gòn sống cùng nghệ sĩ Năm Phỉ và theo học tại đây.
Ở tuổi 19, sau khi không đỗ kỳ thi tú tài, Kim Cương quyết định lên đường tìm mẹ tại Châu Đốc. Trong chuyến đi này, bà tình cờ có cơ hội tham gia vở diễn Giai nhân và ác quỷ. Vai diễn tạo nên tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Từ đó, Kim Cương nhanh chóng trở thành đào chính và gánh vác trọng trách điều hành đoàn hát gia đình.
Bước sang tuổi đôi mươi, Kim Cương quyết định từ bỏ sân khấu cải lương để khai phá lĩnh vực nghệ thuật còn mới mẻ với công chúng - thành lập Đoàn kịch nói Kim Cương. Đây được xem là đoàn kịch chuyên nghiệp hàng đầu tại miền Nam thời bấy giờ.
Không chỉ đảm nhận vai trò diễn viên, Kim Cương còn kiêm nhiệm các công việc viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất. Trải qua nhiều năm, Đoàn kịch nói Kim Cương đã chinh phục khán giả bằng hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ, Người mua hạnh phúc và Hai mùa giáng sinh.
Đoàn kịch nói Kim Cương hoạt động gần 40 năm cho đến khi hoàn thành sứ mệnh sân khấu của mình vào năm 1994. Năm 2006, Kim Cương nhận được Kỷ lục Guinness Việt Nam là Nữ nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất.
Tuy bắt đầu sự nghiệp với cải lương và chịu ảnh hưởng lớn từ gia đình có truyền thống cải lương, nhưng NSND Kim Cương lại chọn bén duyên với kịch nói. Về sự chuyển hướng này, NSND Kim Cương lý giải, bà muốn theo tiến hóa của xã hội, muốn bản thân phải đổi mới. Theo nữ nghệ sĩ, cải lương có sự hấp dẫn riêng nhưng kịch nói mới đi sâu được vào xã hội.
Tuổi xế chiều miệt mài làm thiện nguyện
Hơn 20 năm qua, nghệ sĩ Kim Cương đã rút khỏi sân khấu và người ta thấy bà miệt mài với công tác từ thiện. Bà bảo, chỉ duy nhất 2 thứ gắn kết tạo nên cuộc đời bà là sân khấu và từ thiện. Ở tuổi 87, bà vẫn chăm chỉ đi quyên góp, xin tài trợ để có tiền làm thiện nguyện như một cách trả ơn cuộc đời.
Tháng 2/2024, NSND Kim Cương nỗ lực vận động các nghệ sĩ Khu dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM và Mạc Can, Huỳnh Thanh Trà về ở Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè để có cuộc sống tốt hơn. Nữ nghệ sĩ cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi, tặng quà các nghệ sĩ tại đây.
Đặc biệt, xuyên suốt 10 năm qua, NSND Kim Cương đều đặn tổ chức chương trình Nghệ sĩ tri âm để mong gặp lại những đồng nghiệp thân thương và giúp đỡ họ có một cái Tết ấm no hơn.
Hiện tại, bà vẫn duy trì quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ các con em nghệ sĩ đang túng thiếu. Quỹ đặt theo tên mẹ bà - cố NSND Bảy Nam, cây đại thụ của sân khấu cải lương, kịch nói.
Nữ nghệ sĩ tận tụy cho sân khấu trong bốn vai trò: diễn viên, tác giả, đạo diễn và nhà quản lý. Và cũng từng ấy thời gian, bên cạnh chuyên môn nghề nghiệp, bà dìu dắt, ươm mầm cho nhiều gương mặt sáng giá như: Huỳnh Thanh Trà, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu…
Thành công trong sự nghiệp giúp NSND Kim Cương có được một cuộc sống sung túc, giàu có và gia đình viên mãn. Sau nhiều năm đi diễn, NSND Kim Cương đã tích lũy được cho mình một căn biệt thự riêng nằm tại trung tâm TPHCM, xây dựng được hơn 50 năm, có cả thang máy.
Trích đoạn vở kịch "Lá sầu riêng" của NSND Kim Cương diễn cùng NSND Bảy Nam:
Ảnh: Tư liệu