1. Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt thuộc tỉnh nào?

  • Lai Châu
  • Lào Cai
  • Sơn La
  • Điện Biên
Chính xác

Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, dài 910km, có diện tích lưu vực lên tới 52.900km2, đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài 543km. Đây là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Điểm đầu của sông Đà tiếp xúc với lãnh thổ Việt Nam ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sau đó chảy qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.

2. Con sông nào xuất hiện trong câu thơ: “Sông… trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” của nhà thơ Hoàng Cầm?

  • Sông Đáy
  • Sông Đuống
  • Sông Cầu
  • Sông Thương
Chính xác

Đây là những câu thơ trích trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010). Sông Đuống có tên gọi khác là Thiên Đức, là một con sông dài 68km, nối sông Hồng với sông Thái Bình.

Sông Đuống tách khỏi sông Hồng từ xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, chảy ngược về phía Đông, qua các huyện Thuận Thành, Gia Lương (Bắc Ninh) rồi đổ vào sông Thái Bình. Đoạn sông Đuống chảy qua Hà Nội dài khoảng 17,5km. Sông Đuống chia tỉnh Bắc Ninh làm hai phần Nam (hữu ngạn) và Bắc (tả ngạn). 

3. Con sông lớn nào sau đây không chảy qua tỉnh Yên Bái?

  • Sông Hồng
  • Sông Lô
  • Sông Chảy
  • Sông Thao
Chính xác

Sông Lô không chảy qua Yên Bái. Con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào địa phận Việt Nam ở tỉnh Hà Giang, sau đó qua Tuyên Quang. Điểm cuối của sông là ngã ba Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), nơi sông Lô hợp lưu với sông Hồng.

Đoạn sông Lô chảy ở Việt Nam dài 274km, diện tích lưu vực là 22.600km2. Riêng đoạn chảy qua tỉnh Tuyên Quang dài 145km. Đây là một trong 5 sông dài nhất ở miền bắc Việt Nam.

4. Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu con sông nào?

  • Sông Tam Kỳ
  • Sông Thu Bồn
  • Sông Tiền
  • Sông Hậu
Chính xác

Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Với diện tích lưu vực rộng 10.350km2, đây là một trong những dòng sông nội địa có lưu vực lớn nhất cả nước.

Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, TP Hội An. Một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng. Trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang để đổ ra vịnh An Hòa, Tam Quang, Núi Thành.

5. Con sông nào xuất hiện trong câu thơ: “Dòng sông… quê em/ Sông trăng hay sông lụa”?

  • Sông Bé
  • Sông Đuống
  • Sông Đáy
  • Sông Cấm
Chính xác

Sông Đáy dài khoảng 250km, là phân lưu của sông Hồng chảy qua các tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Trước đây, đầu nguồn sông Đáy nhận nước của sông Hồng ở địa phận giữa huyện Phúc Thọ và huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Đoạn sông này được gọi là sông Hát (Hát Giang) hay sông Chu Diên (chảy qua huyện Chu Diên), có cửa Hát Môn. Tuy nhiên, khu vực này hiện nay đã bị bồi lấp, nguồn cung cấp nước cho sông chủ yếu ở các nhánh hữu ngạn.