Shin Hyon-Ho, một luật sư tại Seoul cho biết ông đã chứng kiến nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ dẫn tới đau hàm mãn tính, lệch miệng, lệch răng và không thể nhai hoặc mỉm cười.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}

Phẫu thuật chỉnh xương hàm giúp phụ nữ có gương mặt thon gọn hơn. (Ảnh minh họa: International Herald Tribune)



Nỗi ám ảnh với phẫu thuật thẩm mỹ của người dân Hàn Quốc đang chuyển từ chiếc mũi thon gọn và đôi mắt to tròn sang quá trình phẫu thuật triệt để, thường cần tới một vài tháng để phục hồi đau đớn.

Một loạt các nhân vật nổi tiếng trên các chương trình truyền hình đã chứng tỏ phẫu thuật thẩm mỹ đem lại cho họ một "cuộc sống mới" như thế nào, trong khi quảng cáo ca ngợi về lợi ích của mỹ phẩm có mặt ở khắp nơi từ các tấm pano trên phố tới các ga tàu điện ngầm, tạp chí và các trang web phổ biến.

Tuy nhiên, không có gì thực sự là "thẩm mỹ" đối với phẫu thuật chỉnh xương hàm, liên quan tới việc sắp xếp lại hàm trên và hàm dưới, một biện pháp triệt để khiến biến dạng khuôn mặt bẩm sinh hoặc làm cho bệnh nhân không thể nhai.

Một trong những kết quả của việc phẫu thuật xương hàm là đường viền của hàm dưới mỏng hơn và điều này đã thu hút được sự chú ý của ngành công nghiệp làm đẹp đang bùng nổ tại Hàn Quốc.

Cùng với chiếc mũi cao và đôi mắt to, một khuôn mặt nhỏ với chiếc cằm "hình chữ V" và đường viền hàm dưới được coi là dấu hiệu của vẻ đẹp nữ tính tại nhiều khu vực ở Đông Á.

"Phẫu thuật chỉnh xương hàm làm khuôn mặt của bạn thay đổi hơn nhiều so với tiêm Botox hay sửa mũi bởi bạn thay đổi toàn bộ cấu trúc xương mặt của bạn," Choi Jin-young, một chuyên gia nha khoa tại Đại học Quốc gia Seoul nói.

"Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất phức tạp và nguy hiểm," ông nói thêm.

Quá trình phẫu thuật, trong đó gồm gây mê và phải mất vài tháng để hồi phục, mang tới nhiều nguy cơ biến chứng khác nhau, bao gồm cả mặt bị biến dạng thường xuyên, thậm chí là tê liệt.

Dữ liệu từ Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ Quốc tế cho thấy Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ bình quân đầu người về phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ đã thôi thúc nhiều người đi phẫu thuật mặt.

Nhiều người nổi tiếng, một số được các bác sĩ trả tiền, thực hiện phẫu thuật chỉnh xương hàm và sau đó xuất hiện trên các chương trình truyền hình, nói rằng phẫu thuật thẩm mỹ là một "bước ngoặt" trong sự nghiệp và giúp thay đổi cuộc đời họ.

Không có số liệu chính thức về số các ca phẫu thuật chỉnh xương hàm được thực hiện. Một nghiên cứu gần đây ước tính, mỗi năm có tới 5.000 ca nhưng không phẫu biệt rõ giữa phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật y tế.

Khoảng 52% số người trải qua các ca phẫu thuật chỉnh xương hàm phải chịu đựng một số vấn đề như cảm giác tê mặt, nghiên cứu cho biết.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Seoul nhận thấy số lượng khiếu nại liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng từ 29 đơn vào năm 2010 lên 80 đơn trong năm ngoái.

"Miệng của tôi bị lệch sang bên trái và hàm của tôi bị tê cứng," một cư dân mạng từng phẫu thuật cằm cho biết.

"Thậm chí tôi không cảm thấy nước miếng rỉ ra từ miệng mình," cô nói thêm.

Tháng 8 năm ngoái, một sinh viên 23 tuổi đã tự tử sau khi trải qua phẫu thuật chỉnh xương hàm. Cô đã để lại một bức thư tuyệt mệnh giải thích sự tuyệt vọng của mình sau khi phẫu thuật, cô không thể nhai thức ăn hoặc cầm được nước mắt do tổn thương dây thần kinh trong ống tuyến lệ.

Shin Hyon-Ho, một luật sư tại Seoul cho biết ông đã chứng kiến nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ dẫn tới đau hàm mãn tính, lệch miệng, lệch răng và không thể nhai hoặc mỉm cười.

"Số lượng các vụ kiện liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng...với các biến chứng ngày càng trở nên trầm trọng hơn," ông Shin cho biết.

Theo một bác sĩ thuộc Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, phẫu thuật chỉnh xương hàm rộ lên từ bốn năm về trước khi một phòng khám nha khoa ở Seoul thực hiện chiến dịch quảng cáo thúc đẩy lợi ích của mỹ phẩm.

Khi nó đã trở nên phổ biến, các bác sĩ phẫu thuật đua nhau nhập cuộc, làm giá thành hạ và phù hợp với túi tiền của nhiều người.

"Ban đầu phẫu thuật chỉnh hàm xuất hiện để chỉnh sửa biến dạng răng nhưng bạn không thể trách ai đó muốn phẫu thuật để có ngoại hình ưa nhìn, đặc biệt là một nơi như Hàn Quốc, nơi cái đẹp được coi trọng," vị bác sĩ trên cho biết.

Tháng Một vừa qua, một nhà lập pháp Seoul đã đề nghị đặt ra giới hạn về độ tuổi phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là chú ý tới các phẫu thuật nguy hiểm liên quan tới xương.

Tuy nhiên, Lim In-Sok, chuyên gia về xã hội học tại Đại học Hàn Quốc cho biết pháp luật không thể giải quyết triệt để những lý do khiến phụ nữ mạo hiểm với tính mạng của mình để có một khuôn mặt đẹp hơn.

"Đây là một quốc gia do đàn ông thống trị, nơi phụ nữ cần cả trí tuệ và nhan sắc, hoặc thường có nhan sắc hơn trí tuệ, để có được việc làm, kết hôn và sống sót trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống," bà nói.

Phẫu thuật thẩm mỹ, theo bà Lim, đã trở thành một biện pháp được chấp nhận mang tới cho bạn một chỗ đứng trong xã hội siêu cạnh tranh.

"Vì mỗi phần của cơ thể chúng ta trở thành đối tượng để chỉnh sửa," Lim nói. "Hôm nay là xương hàm của bạn nhưng ai biết ngày mai chúng ta sẽ phải sửa cái gì?"

Sầm Hoa (Theo CNA)