Thật vậy, ngay cả trước thời điểm lịch sử lớn lao đó, Nixon đã mường tượng ra sự trỗi dậy của Trung Quốc trong một bài báo ông viết cho tờ Foreign Affairs năm 1967. Và trong những năm hậu Nhà Trắng, ông đã viết một loạt cuốn sách bày tỏ quan điểm của bản thân về vị trí của Trung Quốc trong nền chính trị toàn cầu, được tinh chỉnh để phù hợp với các bước phát triển địa chính trị.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ngày 25/2/1972

50 năm sau khi “mở cửa” với Trung Quốc, rất đáng xem lại các dự báo phát triển theo thời gian của Nixon về mối quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Đáng tiếc, Nixon chưa bao giờ viết một cuốn sách nói riêng về Trung Quốc. Đó chắc hẳn sẽ là thành tựu xuất sắc trong các bài viết của ông thời hậu tổng thống. Vì vậy, để phân tích thế giới quan của Nixon về Trung Quốc, cần đi sâu vào tất cả các cuốn sách ông viết sau khi rời Nhà Trắng, từ hồi ký “RN” cho đến cuốn sách cuối cùng - “Ngoài hòa bình”, được ông hoàn thành ngay trước khi qua đời vào năm 1994.

“RN”, xuất bản năm 1978, là một trong những cuốn hồi ký tổng thống hay nhất, không chỉ vì lối viết súc tích và sắc sảo của Nixon, mà còn vì cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông đã chạm đến những sự kiện thú vị và có ảnh hưởng trong lịch sử: cuộc Đại suy thoái, Thế chiến thứ hai, vụ gián điệp chống lại Alger Hiss, chính quyền Eisenhower (trong đó Nixon giữ chức Phó tổng thống), những năm 1960 đầy biến động, nhiệm kỳ tổng thống của ông, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự khởi đầu của thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.

Bí mật tiếp cận ngoại giao Trung Quốc

Trong hồi ký, Nixon trình bày chi tiết về cách tiếp cận ngoại giao từng bước nhằm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc ngay từ đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Vào tháng 2/1970, ông gửi Báo cáo Chính sách đối ngoại cho Quốc hội, trong đó tuyên bố Trung Quốc “không nên tiếp tục bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế” và nhấn mạnh rằng, vì lợi ích của Mỹ “và lợi ích của hòa bình, ổn định của châu Á cũng như thế giới, chúng ta (Mỹ) cần thực hiện những bước có thể để cải thiện mối quan hệ thực tế với Bắc Kinh".

Đây là quan điểm mà Nixon đã công khai trong bài báo đăng tải trên tờ Foreign Affairs năm 1967, xuất bản 1 năm trước khi ông đắc cử. Và ông đã theo đuổi điều đó vào tháng tiếp theo bằng cách ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ nới lỏng các hạn chế đối với việc đi đến Trung Quốc. Một tháng sau, ông tiếp tục cho nới lỏng các hạn chế về thương mại giữa hai nước.

Nixon hiểu rằng, việc đảo ngược 2 thập kỷ thù địch giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không nhanh chóng hoặc không phải không có rủi ro chính trị. Do đó, những động thái cơ bản quan trọng nhằm cải thiện quan hệ song phương, ban đầu được tiến hành trong bí mật bằng cách mở “các kênh phản hồi” với Trung Quốc thông qua các phái viên Pakistan và Romania.

Trong khi đó, Trung Quốc vì những lý do riêng đã thông báo họ sẽ chào đón chuyến thăm của một quan chức cấp cao Mỹ. Cuối cùng, Nixon chọn cố vấn an ninh quốc gia - Henry Kissinger, để thực hiện các cuộc đàm phán bí mật với Trung Quốc trước chuyến thăm dự kiến của tổng thống. Nixon nói với Kissinger rằng, trở ngại ngoại giao lớn nhất với Trung Quốc sẽ là Đài Loan, và trở ngại chính trị trong nước lớn nhất sẽ là phản ứng bảo thủ bên trong nước Mỹ đối với việc mở cửa quan hệ với Bắc Kinh.

Nixon kể lại trong cuốn “RN” rằng, trước chuyến thăm lịch sử của ông tới Trung Quốc, đã có những “thông điệp và tín hiệu”, cả công khai và riêng tư, được cả hai bên gửi tới nhau trong hơn 2 năm. Đó là một thủ thuật ngoại giao mà bộ đôi Nixon và Kissinger đã thực hiện một cách xuất sắc.

Vào ngày 31/5/ 1971, Kissinger nhận được thông điệp từ người Romania rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã chuẩn bị gặp ông Nixon để “nói chuyện trực tiếp” và sẽ chào đón ông Kissinger đến Trung Quốc để giải quyết những thỏa thuận như vậy với Thủ tướng Chu Ân Lai. Khi Nixon đọc thông điệp của Romania, Kissinger nhận xét: "Đây là thông tin liên lạc quan trọng nhất đến với một tổng thống Mỹ kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc".

Sau đó, Nixon bắt đầu quá trình chuẩn bị một cách tinh tế cho công chúng Mỹ đón nhận sự mở cửa lịch sử với Trung Quốc, bao gồm một bài phát biểu tại thành phố Kansas vào ngày 6/7, nơi ông nói với các phóng viên rằng tiềm năng của Trung Quốc lớn đến mức “không có chính sách ngoại giao khôn ngoan nào có thể bỏ qua hoặc loại trừ nó”.

Kissinger bí mật đến Trung Quốc vào tháng 7/1971 để đặt nền móng cho chuyến thăm của Tổng thống Nixon. Trước khi lên đường sang Trung Quốc, Nixon đã gặp nhà triết học người Pháp André Malraux, người nói với ông rằng: “Ngài sắp thử một trong những điều quan trọng nhất của thế kỷ chúng ta” và so sánh Nixon với các nhà thám hiểm châu Âu thế kỷ 16, “những người đã tạo ra một mục tiêu cụ thể nhưng thường đi đến một khám phá hoàn toàn khác".

Ông Malraux sau đó nói với lãnh đạo Nhà Trắng: "Tất cả những người hiểu ngài đang xúc tiến việc gì đều ngả mũ chào ngài".

Chuyến đi lịch sử

Nixon hạ cánh ở Bắc Kinh vào ngày 21/2/1972. Ông được Thủ tướng Chu Ân Lai đón tại sân bay. Nixon kể, tại hội nghị Geneva 1954, Ngoại trưởng John Foster Dulles đã từ chối bắt tay ông Chu. “Tôi đã làm một việc quan trọng khi đưa tay về phía ông Chu. Khi hai bàn tay của chúng tôi chạm vào nhau, một kỷ nguyên khép lại và một kỷ nguyên mới mở ra”, Nixon viết.

Cuối buổi tối hôm đó, Nixon gặp Mao Trạch Đông. Hai nhà lãnh đạo trò chuyện về lịch sử và triết học, đồng thời thảo luận về một số vấn đề quan trọng.

Các cuộc hội đàm chi tiết hơn diễn ra sau đó với ông Chu và hội nghị thượng đỉnh lịch sử kết thúc bằng Thông cáo Thượng Hải, đề cập đến địa vị của Đài Loan, nhưng quan trọng hơn, chứa đựng những gì Nixon mô tả là “một điều khoản tinh vi nhưng không thể nhầm lẫn, làm rõ rằng cả hai nước chúng tôi đều sẽ phản đối những nỗ lực của Liên Xô hoặc bất kỳ cường quốc lớn nào khác nhằm thống trị châu Á”.

Vào cuối chuyến đi lịch sử đến Trung Quốc, Nixon phát biểu ngắn gọn trong một tiệc chiêu đãi và dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc “trong những năm tới… sẽ xây dựng một cây cầu xuyên qua 16.000 dặm và 22 năm thù địch đã chia cắt chúng ta trong quá khứ… Chúng ta cùng ở đây một tuần. Đây là tuần đã thay đổi thế giới".

Khi Nixon nhìn lại tuần lễ đó ở Trung Quốc trong cuốn “RN”, ông viết rằng Mỹ “phải tôi luyện Trung Quốc trong vài thập kỷ tới trong khi nước này vẫn đang học hỏi để phát triển sức mạnh và tiềm năng quốc gia. Nếu không, một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải đương đầu với kẻ thù đáng gờm nhất từng tồn tại trong lịch sử thế giới".  Lời khuyên đó có vẻ vô cùng khôn ngoan 50 năm sau chuyến đi của Nixon.

* Phần 2: Hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung

Quỳnh Anh (Theo Diplomat)

Mỹ, Trung và trọng tâm cạnh tranh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương

Mỹ, Trung và trọng tâm cạnh tranh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương

Mỹ nhìn nhận Trung Quốc là nước duy nhất có đủ tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, công nghệ có thể thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ và trật tự thế giới mà Mỹ, phương Tây xây dựng.