Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết, các trích đoạn tham gia chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh khắc họa diện mạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhưng cũng đủ yếu tố để nhìn nhận, đánh giá xem nghệ thuật này đứng ở cung bậc nào trước đòi hỏi của xã hội và nhu cầu người dân.
Theo ông Chương, liên hoan có tới 85/106 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. "Con số này tạo nên cảm xúc mừng vui xen lẫn chạnh lòng, cũng là thành công lớn nhất của liên hoan. Bởi trong điều kiện còn quá nhiều khó khăn, các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn thắp sáng khát vọng, cố gắng vượt qua chính mình, gạn đục khơi trong để giữ nghề".
Ông Chương cũng thẳng thắn chỉ ra một vài đơn vị mang tới liên hoan những sản phẩm rất nghiệp dư, có trích đoạn về đề tài hiện đại được ê-kíp sáng tạo hư cấu phản cảm; đặc biệt có tới 6 trích đoạn Đôi lứa xứng đôi được phóng tác dàn dựng từ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, cho thấy sự sáo mòn, già cỗi.
Chủ tịch Hội đồng Giám khảo kiến nghị, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước về văn học nghệ thuật nên tổ chức liên hoan định kỳ 3 năm một lần để các đơn vị có thời gian chuẩn bị về mọi mặt, tìm trích đoạn, lựa chọn diễn viên, đầu tư kinh phí dàn dựng.
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao giải cho 7 trích đoạn sân khấu xuất sắc gồm: Những vì sao không tắt - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam, Sóng hận Lục Đầu Giang - Nhà hát Tuồng Việt Nam, Oan khuất một thời - Nhà hát Chèo Hà Nội, Chôn hề - Nhà hát Chèo Ninh Bình, Cúc ơi - Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đêm trắng - Nhà hát Kịch Việt Nam, Dòng sông đỏ - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Ban tổ chức cũng trao 54 huy chương Vàng và 60 huy chương Bạc cho các diễn viên; giải thưởng, bằng khen cho dàn nhạc, nhạc công.