FPT giải thể mảng game online

Vào đầu tháng 11, thông tin về việc mảng game online của FPT Onlinecó thể sẽ giải thể, ngừng hoạt động mảng dịch vụ game online lan tràn và khiến cho nhiều game thủ đang tham gia vào các sản phẩm do NPH này phân phối tại Việt Nam cảm thấy lo lắng.

 

Theo ghi nhận trên diễn đàn của một số game online do FPT phát hành thì có rất nhiều game thủ đang lo ngại rằng các trò chơi mình tham gia sẽ sớm bị đóng cửa và tất nhiên là tài khoản dày công chăm sóc bấy lâu của họ cũng sẽ biến mất theo.

Kỳ thực sau việc phát hành những tựa game online không có được những thành công như dự kiến, cộng với việc những game online được coi là lá cờ đầu, những sản phẩm đem lại doanh thu chính cho mảng game online của FPT như Thiên Long Bát Bộ bị đổi chủ về tay VNG, hay MU Online phải ngừng hoạt động đã khiến cho số phận của một trong "Tứ trụ" làng game Việt trở nên cực kỳ bấp bênh.

Tân Thiên Long đổi chủ

Ngay trước khi FPT Online tuyên bố giải thế mảng game online tại Việt Nam, thì một sự kiện không kém phần đình đám đã diễn ra vào tháng 08/2014 với việc FPT Online để mất bản quyền phát hành Thiên Long Bát Bộ về tay VNG.

Là một trong những game online già đời tại Việt Nam, Thiên Long Bát Bộ đã có tới 7 năm tung hoành tại thị trường. Mặc dù huyền thoại này đã qua thời đỉnh cao song trò chơi vẫn có một lượng người chơi đông đảo và hết sức trung thành.

 

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì cách đây không lâu, doanh thu hàng tháng của Thiên Long Bát Bộ vẫn rất cao, đang dao động trong khoảng 8~9 tỷ VNĐ, một con số được coi là lớn đối với nhiều game online đang vận hành tại Việt Nam.

Trên thực tế, cách đây chưa lâu, chúng tôi cũng đã đăng tải thông tin về doanh thu hàng tháng của một số tựa game online tại Việt Nam, như Võ Lâm Truyền Kỳ (khoảng 11 tỷ VNĐ), Liên Minh Huyền Thoại (khoảng 20 tỷ VNĐ)... và điều này chứng tỏ Thiên Long Bát Bộ vẫn đang hoạt động khá ổn định tại nước ta, dù lượng người chơi mới tham gia vào game là không nhiều.

 

Như vậy có thể khẳng định rằng không phải FPT Online đã cố đẩy Thiên Long Bát Bộ đi vì doanh thu của game online này đã sụt giảm xuống thấp ngay sau khi ra phiên bản mới. Nguyên nhân của sự chuyển giao này đến từ NSX trò chơi và sự cạnh tranh của phía VNG.

Được biết ChangYou đã thay đổi quyết định vào phút chót không ký hợp đồng với FPT nữa. Có lẽ NSX Trung Quốc cảm thấy không thể tiến triển hơn với NPH cũ và muốn tìm cơn gió mới từ VNG.

Giải đấu DOTA 2 đầu tiên cho người Việt

Vào những ngày cuối năm 2013, đầu năm 2014, giải DOTA 2 đầu tiên dành riêng cho người Việt đã chính thức khởi tranh. Với tên gọi DOTA 2 Vietnam Champion League, giải đấu lần đầu tiên được Valve công nhận dành riêng cho người Việt này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cả những game thủ chuyên nghiệp lẫn cộng đồng hâm mộ DOTA 2 tại Việt Nam.

 

Cùng với sự phát triển của giải đấu thì cũng là sự tăng nhanh về số lượng đội chơi DOTA 2 nhận được tài trợ và hướng mình theo con đường chuyên nghiệp như các đồng nghiệp bên LOL, điển hình có thể kể đến Imba Gaming tại Hà Nội, Aces Gaming tại Hồ Chí Minh… tham gia và tranh tài ở các giải đấu lớn nhỏ không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài.

Trong những năm gần đây, phong trào eSports đang được đẩy mạnh tại Việt Nam dẫn đến xu hướng chơi game chuyên nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện. Nhiều người chơi bây giờ không chỉ đến các quán net để chơi với mục đích giải khuây và “cày kéo” như trước nữa, mà họ thực sự nghiêm túc với “sự nghiệp” game của mình.

 

Cuối cùng thì phải nói đến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các kênh stream tường thuật về DOTA 2 (PewPew Studio, ESV Studio, MM Studio) với số lượng người xem đông đảo, đặc biệt có khi lên đến chục ngàn người cùng theo dõi 1 trận đấu có sự hiện diện của các đội chơi nổi tiếng thế giới tại các giải đấu lớn quốc tế là minh chứng hùng hồn khác cho sự phát triển tuyệt vời của cộng đồng DOTA 2 Việt Nam.

Hiện tượng Flappy Bird

Nhiều người có thể không tin, thế nhưng Flappy Bird , một trong những tựa game mobile đã và đang xếp hạng đầu tại những cửa hàng ứng dụng di động như AppStore hay PlayStore được làm nhờ vào bàn tay của người Việt Nam. Hơn thế nữa, tựa game đang gây sốt này lại được hoàn thiện bởi duy nhất một con người.

 

Nếu chưa thưởng thức tựa game, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây đơn thuần chỉ là một tựa game indie với lối chơi gây nghiện. Từ trước tới nay không thiếu những game indie như vậy lôi cuốn sự chú ý của cộng đồng game thủ tại Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung. Tuy nhiên khi đã thực sự trải nghiệm tựa game này, người chơi mới thấy được sức hút của nó lớn đến chừng nào.

Rõ ràng, sự bùng nổ của game mobile mà đỉnh cao chính là cú hích mạnh mẽ của Flappy Bird đánh cho một thời kỳ mới, một phong cách làm game hoàn toàn mới: game không có nội dung hay có thể tạm gọi là game "chết não".

 

Sự thành công bất ngờ của Nguyễn Hà Đông nhanh chóng khiến cho các Studio game mobile trước đây nhận ra rằng, nhu cầu giải trí trên điện thoại khác khá xa máy tính, và phần lớn game thủ điện thoại cần thứ gì đó giải trí nhanh gọn, có tính thử thách và đặc biệt là không cần động não quá nhiều. Flappy Bird đặc biệt thành công cũng 1 phần vì lỗi chơi hoàn toàn không cần động não tư duy và đặc biệt là hoàn toàn không có cốt truyện.

 

Và như thế là, hàng loạt những game mobile với lối chơi tương tự như Flappy Bird lần lượt được các nhà làm game trong nước sản xuất với tốc độ ào ạt chẳng thua kém gì những chiếc xe đua cả.

Theo PLXH