{keywords}
121 cây cầu đã được xây dựng trong suốt 4 năm hoạt động của nhóm thiện nguyện Từ Tâm.

Cả cụm dân cư giống như một cái cù lao tách biệt, người dân đi lại bằng ghe. Trong suốt 15-20 năm, cù lao ấy chỉ có 1 học sinh duy nhất học hết cấp 3, rồi quay trở lại cù lao làm giáo viên. Hầu như trẻ con chỉ học hết cấp 1, ít đứa học lên cấp 2 vì đường sá đi lại khó khăn.

Thậm chí, có người mua xe máy 2 năm chưa mang được xe về nhà.

Đó là những hình ảnh xót xa nhất mà chị Đinh Thị Nhung - đồng sáng lập và điều hành nhóm thiện nguyện Từ Tâm - vẫn còn nhớ cho tới tận bây giờ khi về xã Thuận Nghĩa Hoà, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An khảo sát để xây cầu. Câu chuyện cách đây không lâu, mới từ năm 2020.

Những hình ảnh ấy thôi thúc chị Nhung và các thành viên của nhóm quyết tâm phải thực hiện được công việc mà họ vẫn làm liên tục trong suốt 4 năm nay.

Sau 2 tháng vận động các mạnh thường quân trong nhóm, kế hoạch xây dựng 4 cây cầu nối cù lao với trung tâm văn hoá, hành chính của xã Thuận Nghĩa Hoà, trị giá 1,3 tỷ đồng được khởi công.

Cụm cầu Thuận Nghĩa Hoà sau đó đã mang lại sức sống mới cho cuộc sống của khoảng 600 hộ dân ở cù lao cũng giống như nhiều địa phương khác mà nhóm từng hỗ trợ.

4 năm xây 121 cây cầu

{keywords}
Kinh nghiệm xây dựng 121 cây cầu giúp nhóm có một quy trình chuyên nghiệp khi bắt tay vào thực hiện.

 

Thành lập từ tháng 3/2018, nhóm thiện nguyện Từ Tâm do 3 thành viên sáng lập ban đầu. Ngoài chị Đinh Nhung, hai thành viên còn lại là bà Kim Thúy và ông Quốc Dũng. Hiện nhóm đã có 130 thành viên. Trong suốt 4 năm qua, họ đã xây dựng được 121 cây cầu trên khắp cả nước với giá trị hơn 32 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này do các mạnh thường quân của nhóm là các cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp sức, tin tưởng nhau và cùng chia sẻ sứ mệnh chung. 

Chị Nhung nói: “Sở dĩ chúng tôi chọn xây cầu là hoạt động chính của nhóm bởi vì nó mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho cộng đồng, chứ không chỉ cho một vài cá nhân. Một cây cầu có thể giúp bà con vận chuyển nông lâm sản thuận tiện hơn, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tuổi thọ của nó lên đến 30-50 năm”.

Trong số 121 cây cầu đã xây, nhóm chủ yếu chọn xây ở các địa phương miền Nam, Tây Nam Bộ… dựa trên các tiêu chí cụ thể như: có đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương không, có giải quyết được nhu cầu đi lại cấp thiết không, có gần trường học hay không…

Để  xác định được những điều này, khảo sát luôn là một khâu quan trọng mà chị Nhung chưa bao giờ vắng mặt. “Thi công và khánh thành tôi có thể để người khác làm, nhưng khảo sát thì không bao giờ tôi vắng mặt” - chị nói.

Một điều đặc biệt quan trọng nữa là tất cả 121 cây cầu mà nhóm đã và định xây đều phải đáp ứng một tiêu chí, đó là phải phù hợp với thiết kế quy hoạch hạ tầng địa phương. Chính vì thế, để mỗi cây cầu được hoàn thiện, phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày của bà con, nhóm cũng phải có một quá trình làm việc với chính quyền địa phương khá vất vả.

“Không phải cứ có tiền là xây được ngay. Chưa kể, với mỗi cây cầu, chúng tôi đều đề nghị địa phương chịu trách nhiệm 10-20% kinh phí, có thể tính bằng tiền hoặc quy ra ngày công, vật tư. Đây là phần đối ứng giám sát để địa phương vừa có quyền vừa có trách nhiệm với công trình”.

Những cây cầu nối bờ vui.

Về phần tiền đối ứng giám sát, chúng tôi phải thuyết phục và phân tích cho chính quyền địa phương và người dân hiểu được mục đích của việc đóng góp. Ví dụ như khi cầu được đưa vào sử dụng, mỗi người dân sẽ có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ nếu đó cũng là công sức, tiền bạc của họ bỏ ra. Và khi có sự đóng góp, người dân sẽ có quyền giám sát thi công, kiểm duyệt chất lượng công trình một cách công khai, minh bạch”.

Sau 4 năm miệt mài xây cầu khắp mọi miền đất nước, nhóm Từ Tâm đã đúc rút một quy trình chuyên nghiệp gồm những tiêu chí tối thiểu cho những cây cầu định xây. Ví dụ như cầu phải rộng 2,8m trở lên, tối thiểu xe cứu thương có thể đi qua…

Cây cầu có kinh phí thấp nhất cho đến nay là 50 triệu đồng, cây cầu lớn nhất có giá trị 3,5 tỷ đồng. Nhưng phổ biến nhất vẫn dao động từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi cây. Thời gian thi công thường rơi vào khoảng 2-6 tháng.

Nhóm thi công cầu gồm khoảng 40 thành viên cũng đều là những Phật tử làm việc trên tinh thần thiện nguyện. Họ được trả công nhưng nhận mức tiền công thấp hơn thị trường và làm việc lên tới 10-12 tiếng/ngày. 

Chỉ cần trong đầu mọi người nghĩ đến việc thiện

{keywords}
Bà Nguyễn Kim Thúy (ở giữa) - một trong 3 thành viên sáng lập nhóm.

Chia sẻ về việc chiêu mộ các thành viên của nhóm, chị Nhung cho biết, từ trước tới giờ, những người sáng lập và các thành viên cốt lõi chỉ tự biết đến nhau qua mạng lưới bạn bè, người quen của mình.

“Những ngày đầu, khi nhóm chỉ có 3 thành viên sáng lập, chúng tôi thường chia sẻ những hình ảnh hoạt động mà mình tham gia. Bạn bè, người quen thấy vậy thì xin vào nhóm. Sau khi hiểu được mục đích, cách thức làm việc của nhóm thì họ tham gia, chứ chúng tôi không hề đăng tin vận động trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội. Đa số, chúng tôi kêu gọi người quen. Vì chúng tôi cũng rất tránh để rơi vào việc từ thiện không minh bạch. Tất cả thông tin về kinh phí đều được đăng tải công khai trên website của nhóm”.

Hiện tại, cả nhóm làm việc trên tinh thần thiện nguyện, không có thù lao. Vì thế, mọi người phải tranh thủ các ngày cuối tuần, cắt bớt thời gian dành cho gia đình để đi làm việc của nhóm. Những người trực tiếp tham gia điều hành cũng rất ít - chỉ 5 người trong số 130 thành viên. Ngoài ra, khoảng 20 thành viên có tham gia các công việc khác, chứ không phải cả 130 người đều hoạt động tích cực. Trong khi số lượng cầu cần xây ngày càng lớn, vì thế nhân lực cũng là một vấn đề khó khăn của nhóm. 

“Nhưng chúng tôi cũng không đòi hỏi khi thành viên vào nhóm là phải hoạt động. Khi chúng tôi đi mời mọi người tham gia, chúng tôi muốn mọi người quan sát, nhìn thấy việc mà nhóm đang làm là việc làm tốt. Chỉ cần họ nghĩ đến việc đó, chứ không nhất thiết thành viên nào vào nhóm cũng phải hoạt động. Khi họ thấy tốt thì từ từ họ sẽ lan toả việc đó cho cộng đồng”.

Nhóm cũng thực hiện các hoạt động nhân đạo khác như: tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, tặng trang thiết bị y tế, cứu trợ lũ lụt, xây nhà tình thương, trao suất học bổng… 

Bà Nguyễn Kim Thúy, một trong 3 người sáng lập, điều hành Từ Tâm chia sẻ, niềm vui và động lực lớn nhất của nhóm là nhìn thấy những chuyển biến rõ rệt trong đời sống của người dân địa phương - nơi mỗi cây cầu được xây lên.

“Có nơi, trước khi xây cầu, giá nông sản rẻ mạt đến xót xa, chỉ có 1 nghìn đồng mỗi cân ổi. Có nơi, khi chưa có cầu, người dân phải đi bằng ghe hoặc lái xe 15km mới đến được một cây cầu khác. Đã có những trường hợp đi cấp cứu không kịp, dẫn đến tử vong… Những câu chuyện đau lòng như thế, trong quá trình đi khảo sát, chúng tôi được nghe kể và chứng kiến rất nhiều.

Cầu được xây lên, khi quay lại địa phương, chúng tôi nhìn thấy những hình ảnh khác hẳn. Nếu như những con đường trước kia vắng vẻ, ít người qua lại thì nay đã nhộn nhịp xe cộ, giao thương tấp nập. Đó là những niềm vui lớn nhất của chúng tôi trong công việc này”.

 

"Với 6 cây cầu trong vòng 2 năm, nhóm thiện nguyện Từ Tâm đã có những đóng góp rất to lớn và ý nghĩa trong việc tạo điều kiện cho việc đi lại của toàn thể nhân dân trên địa bàn, nhất là các em học sinh được đến trường an toàn thay vì phải di chuyển bằng xuồng ba lá nhỏ rất nguy hiểm như trước kia. 

Đời sống kinh tế của người dân cũng được nâng lên nhờ cây cầu giúp thông tuyến xe lớn, hàng hoá được trao đổi, mua bán trên diện rộng, giá trị sản phẩm cao hơn.

Sáu cây cầu này cũng góp phần đáng kể trong việc hoàn thành tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Chính quyền địa phương và người dân luôn ghi nhận và biết ơn những hỗ trợ này của nhóm".

- ông Mai Tấn Phát, Bí thư chi bộ ấp Vàm Lớn, xã Thuận Nghĩa Hoà, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An, chia sẻ.

Đăng Dương

Ảnh: NVCC

Người đàn ông Cần Thơ trồng rau muống, xây 6 cây cầu tặng dân

Người đàn ông Cần Thơ trồng rau muống, xây 6 cây cầu tặng dân

Sau nhiều lần trồng các loại cây nông nghiệp thất bại, ông Nguyễn Văn Bi quyết định khởi nghiệp lại với cây rau muống hạt.