Hôm nay, giỗ cha lần thứ 5. Sáu chị em ngồi bên mâm cơm và cứ nhìn bâng quơ, như vẫn chờ cha. Nghe đâu có tiếng gậy lọc xọc, bóng áo xanh da trời hiện lên, cùng với ánh mắt dịu dàng và nụ cười tươi của cha. Nhưng mãi mãi đó chỉ còn là tưởng tượng...

Ngày cha mới 1 tuổi, ông nội đã ra đi vĩnh viễn. Một mình bà nội nuôi 7 người con. Bà buôn bông, buôn mật lên miền thượng sông Mã - huyện Vĩnh Lộc, hay vùng chiêm trũng - Hà Trung, thuê người làm ruộng, chăn trâu bò. Được cái gia sản ông nội để lại ngoài căn nhà lớn, còn có rất nhiều thửa ruộng màu mỡ, tại làng Hiển Vinh (xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Các con trai, bà nội đều cho đi học. Riêng bác cả và cha được học lên cao. Cha đi học trên tỉnh, có người gánh theo gạo, tiền (tiền ngày xưa bằng kim loại, rất nặng) đi cùng. Nhờ đó, cha có trình độ, lại hăng hái tham gia bình dân học vụ, làm cán bộ đoàn thanh niên cứu quốc tại địa phương nên được bổ nhiệm giáo viên tiểu học, của Tổng Liên Cừ (gồm nhiều xã trong vùng đông bắc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) năm 1953, khi mới ngoài hai mươi.

{keywords}
Cha của tôi lúc nghỉ hưu.

Tôi nhớ, cha đã dùng rất nhiều loại xe đạp. Ngày cha đi học ngành sư phạm Toán, bà nội mua cho cha một chiếc thuộc loại xịn. Nhưng rồi, rất nhiều lần cha đã phải bán xe để lo cơm áo, học hành cho các con. Và ngày ngày cha lại ròng rã cuốc bộ đến lớp giảng bài.

Một vài năm gom góp, cha lại mua, có điều chiếc xe sau đều là xe cũ, kém chất hơn xe trước và thủ tục mua, bán xe đạp hồi ấy khó khăn, còn hơn cả thủ tục mua, bán ô tô bây giờ.

Dù dạy ở trường gần hay trường xa nhà hàng chục km, cha vẫn cố gắng có mặt ở nhà, trừ những hôm trực trường hay có việc đột xuất. Hầu như mỗi chiều thứ Bảy, cha lại đạp hàng chục cây số xuống chợ Diêm Phố mua tôm, cá. Những bữa ấy, chúng tôi chờ cha đến tối đêm mới ăn cơm.

Nhiều hôm, 9, 10h đêm chưa thấy cha về, mẹ và chúng tôi đều lo lắng. Con đường xuống chợ, có đoạn hoang vắng, rất hay bị cướp.

Đêm khuya cha mới về đến nhà - thường trục trặc là do xe bị thủng xăm, nổ lốp, hoặc bị bong xích, trượt cá. Mà đêm tối chả có ai sửa cả.

Cha phải dắt bộ, có bữa may, gặp người khỏe và tốt bụng giúp, cha  vác chiếc xe hỏng trên vai, ngồi trên giá đèo hàng của người ta, cả hai gò lưng cùng đạp. Nhưng lần mẹ lo nhất là hôm cha đi Hưng Yên, lúc nửa đêm, năm 1968. Tết mới xong, nhà bác tư có điện từ trường Đại học Thủy sản báo tin anh Cương gặp nạn.

{keywords}
Cha mẹ tác giả khi 85 tuổi.

Anh là con trai cả, học giỏi được miễn đi bộ đội và đang theo học ngoài trường. Hai bác đổ gục. Ngay trong đêm cha quay quả phóng xe giữa cái giá lạnh tháng Giêng đói kém, đạp liền hàng trăm cây số, đến tối ngày sau, mới tới nơi trường đóng trên đất Hưng Yên.

Vì lao vào đánh đuổi con chó dại đang cắn cậu bé trên đường đi học, anh bị nó cắn, nhiễm, phát bệnh, rồi mất. Lá thư anh viết cho cha tôi, để trong túi áo, còn dở dang…

Những năm chiến tranh chị gái cả tôi đi học trường sư phạm ở huyện Vĩnh Lộc. Ngày nghỉ hè, nghỉ Tết, cha lại đạp gần trăm cây số, luồn lách đường rừng núi, tránh bom, đưa, đón chị.

Rồi năm 1971, mặc  bom Mỹ trút, cha vẫn cố đẩy xe qua phà Vạn, sông Mã (huyện Thiệu Hóa) để đưa anh Trình, con bác gái, kịp vào học trường kiến trúc trung ương, đóng ở xã Thiệu Phúc, cách nhà sáu bảy chục cây số.

Cha bảo, bố mẹ nó ở nơi đóng quân mãi biên giới Tây Trang (Lai Châu), gửi nó về  quê theo cậu  kiếm cái chữ, giờ đến khi đỗ đạt, chả nhẽ lại để nó đứt gánh. Hồi đó đi lại nguy hiểm vô cùng.

Nhưng khi người bạn trai của chị hai tôi, đang học lớp cuối cấp ba, tình nguyện nhập ngũ, thể theo mong muốn của gia đình anh, cha xin nghỉ dạy, đạp xe gần trăm cây, tới thăm anh tại nơi đóng quân. Sau này, năm 1974, cha lại một lần nữa đạp xe vượt rừng đến doanh trại bộ đội, thăm con trai.

Ngày đó, anh ba của tôi lên đường lúc cha đang trên bục giảng. Biết địa chỉ nơi anh đang luyện tập, cha rủ chú Ứng, em họ cha, cũng có con trai, tên Đệ, ở đơn vị với anh, cùng đi.

Hôm đó, tôi đang học trên lớp, cha xin cô giáo cho nghỉ. Ngồi sau xe cha, cái xe hiệu Thống Nhất mà cha được ưu tiên mua, khi là hiệu trưởng cấp 2 liên xã Liên - Quang, đã bục lốp, phải chằng cuốn bằng dây rợ, cứ nhảy bình bịch mỗi khi gặp ổ gà, tôi nhắm tịt mắt lại.

Biết bao cảnh đồi sim, rừng thông nên thơ mà chẳng dám nhìn. Những lúc vòng quanh, xuống dốc núi, chiếc xe lại rung lắc, kêu rít, vì bị dép cao su nơi chân cha đè hãm để tránh lao xuống vực. Một ngày ròng rã, vượt hàng trăm cây số đường núi, đồi, sáng sau, lại chặng đường đạp trên trăm cây số, cha con tôi vội vã trở về, cho kịp giờ vào lớp.

Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu, cha, với vóc dáng mảnh khảnh, thư sinh, sao lại có sức chịu đựng lớn như thế. Cha và chiếc xe đạp hầu như không nghỉ ngày nào. Hành trang dọc đường của cha, ngoài cặp giáo án, tài liệu, luôn đồng hành là cái bơm tay, bộ kìm, cờ lê, mỏ lết- những dụng cụ đơn giản để cha tự chữa bệnh cho xe.

Nghỉ hè, ngoài đi học chuyên đề, cha lại đạp hơn ba chục cây lên thị xã tìm mua sách, báo. Hồi đó, Tạp chí Toán học Tuổi trẻ rất hiếm, nhưng cha đã lùng mua được hầu hết các kỳ. Rồi cha lại cùng anh ba giải những bài toán độc đáo.

Những đề thi Toán quốc tế, cha cũng mày mò cách giải, để lại giảng cho các trò trong nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi. Rồi cha lại đạp xe, lại đến trường, lại đi dự giờ, bồi dưỡng học sinh giỏi… khắp các địa bàn trong huyện, trong tỉnh.

Mấy lần tôi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, thi đại học, ở địa bàn có xa đến mấy, hoặc bận việc quản lý, giảng dạy đến mấy, cha cũng thu xếp đưa tôi đi, lúc thì đạp xe vào buổi tối, khi thì đi vào ngày Chủ nhật.

Chiếc xe đạp của cha là một bậc đệm để tôi trưởng thành, trong học hành và sự nghiệp. Nghỉ hưu, cha vẫn liên tục đạp xe, khi thì hoạt động trong Hội Khuyến học xã, lúc thì sinh hoạt tại CLB Lạch Trường. Biết cha cẩn thận, lại giỏi tính toán, BHXH huyện lại đề nghị cha làm cộng tác viên.

Suốt gần chục năm, đèo những bao tiền, nhân chia, cộng trừ tới từng xu và đi phát tới hàng mấy trăm đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, ở rải rác các làng, cha cứ bận rộn thế mà không một sai lệch. 

Sau này, khi tổ chức bảo hiểm địa phương hoàn thiện hơn, cha mới được nghỉ. Chiếc xe đạp lúc này mới nhàn hạ, khi cha chỉ còn việc đưa đón cháu nội đến trường, hay lên thị trấn mua sách báo, và mang báo tới nhà, đọc tin tức cho bác cả.

Mỗi khi đi đâu xa, cha lại đạp xe lên nhà bác cả thông báo để bác đỡ trông ngóng. Cha bảo, cha cư xử với bác cả như đạo của một người con. Vì ngày ông nội mất, bác cả mới mười lăm tuổi, nhưng đã gánh trọng trách của người cha trong gia đình, đã dạy cha những chữ cái đầu tiên, đã góp những đồng tiền dạy học ít ỏi với bà nội để cho cha đi học trên tỉnh.    

Cái xe đạp, cứ thế, gắn bó với cha cho đến năm cha 86 tuổi, không đủ sức đạp nữa. Và năm sau, năm 87 tuổi, cha vĩnh biệt cõi trần, sau hai ngày nằm yên trên giường do tai biến mạch máu.

Dẫu không phải vận động viên đua xe đạp, hay không như những người dùng xe đạp làm phương tiện mưu sinh:  “xe ôm” chở khách, chuyển hàng v… hàng ngày, nhưng với biết bao cung đường, đầy gian nan, hiểm trở, không đo đếm được, bao vòng xe quay trong cuộc đời một người làm nghề dạy học như cha, với bao đoạn đời, số phận được cha chở che, nâng đỡ, trên hành trình ngắn ngủi của một đời người, như thế, đối với tôi,  Cha  đích thực là một  “cua rơ” vĩ đại.

Vân Điệp

Bố tôi là người mực thước, hàng xóm chỉ thích cho ông mượn đồ

Bố tôi là người mực thước, hàng xóm chỉ thích cho ông mượn đồ

Bố nói với chúng tôi: Người ta cho mình mượn là người ta làm ơn cho mình. Mình không biết trả ơn, dù là rất nhỏ, lại còn làm hư đồ của người ta thì chẳng ra con người con ạ.