icon icon

Nữ hoàng Elizabeth II: một biểu tượng du lịch 

Trong suốt 70 năm trị vì lừng lẫy của mình, những chuyến đi luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của Nữ hoàng. Với tư cách là vị quốc vương đi du lịch nhiều nhất, bà đã dành nhiều thập kỷ học hỏi từ các nền văn hóa khác trên thế giới, nhiều lần băng qua những miền đất cách xa Cung điện Buckingham hàng vạn dặm. Và chúng ta cũng đều biết rằng triều đại của bà thực sự bắt đầu ở nước ngoài. Khi đó công chúa 25 tuổi đang ở tại khách sạn Treetops bên trong Vườn quốc gia Aberdare, Kenya và nghe tin về cái chết của cha mình, George VI, vào đêm ngày 6/2/1952. Cho dù đó là những chuyến du ngoạn biển cả trên Du thuyền Hoàng gia Britannia hay một kỳ nghỉ dưỡng, Nữ hoàng luôn biết cách chu du vòng quanh thế giới một cách đầy phong cách. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại hành trình khám phá thế giới suốt gần một thế kỷ của Nữ hoàng Elizabeth II.

Nữ hoàng trong khuôn viên của Lâu đài Windsor. Ảnh: Tim Graham

Bà là quốc vương đi chu du nhiều nhất từ ​​trước đến nay 

Không phải tự nhiên mà Elizabeth II được gọi là 'Nữ hoàng triệu dặm' - với tư cách là vị quốc vương đi chu du nhiều nhất thế giới, bà đã đi ít nhất 1.032.513 dặm và đến thăm 117 quốc gia khác nhau trong suốt thời gian trị vì của mình. Nói cách khác, quãng đường này tương đương với 42 cuộc hành trình quanh toàn bộ chu vi của Trái đất. Bà đã đến thăm mọi quốc gia trong Khối thịnh vượng chung và nhiều hơn nữa, thực hiện 290 chuyến thăm cấp nhà nước đáng kinh ngạc kể từ năm 1952. Chuyến đi đầu tiên của bà với tư cách là Nữ hoàng là cuộc gặp thống đốc Kenya, Ngài Philip Mitchell, vào ngày 6/2/1952. Trong khi chuyến công du cuối cùng của bà là chuyến đi đến Malta với Công tước xứ Edinburgh vào năm 2015, một điểm đến hoàn hảo, vì đây là nơi Nữ hoàng và Hoàng tế sống trong khoảng thời gian khi họ mới kết hôn vào năm 1947.

 Nữ hoàng Elizabeth II tại Windsor Horse Show. Ảnh: Tim Graham

Nữ hoàng đã thực hiện một số chuyến đi lịch sử, bao gồm việc trở thành quốc vương Anh đầu tiên đến thăm Trung Quốc vào năm 1986 và là người đầu tiên trong một thế kỷ tới thăm Cộng hòa Ireland vào năm 2011, nhưng vẫn có những nơi mà bà chưa bao giờ đến thăm như Israel hay Hy Lạp. Bà luôn coi du lịch là một phần quan trọng trong cuộc sống và triều đại của mình, như những gì Nữ hoàng từng nói trong chương trình phát sóng đêm Giáng sinh năm 1953, được ghi lại ở Auckland, New Zealand: “Tôi bắt đầu cuộc hành trình này để thấy được nhiều nhất có thể về người dân và các quốc gia của Khối thịnh vượng chung. Tôi muốn chứng tỏ rằng Vương miện không chỉ đơn thuần là một biểu tượng trừu tượng của sự đoàn kết, mà còn là sợi dây gắn kết sống động giữa bạn và tôi”.

Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip trên cao nguyên ở Balmoral, Scotland, 1972. Ảnh: Fox Photos

Có hãng hàng không riêng 

Đối với một người đi chu du nhiều như Nữ hoàng, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu có Nữ hoàng có một hãng hàng không phục vụ riêng hoặc ít nhất là một đội máy bay chuyên dụng. Được thành lập như một đơn vị Không quân Hoàng gia ưu tú vào năm 1936 dưới thời trị vì của Vua Edward VIII và ban đầu được gọi là "Chuyến bay của Nhà vua", những chiếc máy bay này có nhiệm vụ vận chuyển các thành viên của Hoàng gia bằng đường hàng không trên cả những chặng ngắn và chặng dài.

Nữ hoàng cưỡi ngựa tại Trooping The Color. Ảnh: Tim Graham

Nó được đổi tên thành "Chuyến bay của Nữ hoàng" khi Nữ hoàng lên ngôi vào năm 1952 và tiếp tục đưa bà đi khắp thế giới trên một loạt máy bay và trực thăng cánh cố định thông minh có in hình Vương miện Hoàng gia trước khi chính thức bị giải thể vào năm 1995. Đây cũng là đơn vị huấn luyện các thành viên của Hoàng gia bay, đáng chú ý nhất là Công tước xứ Edinburgh, người đã nhận bằng phi công riêng vào năm 1959 và thường được nhìn thấy trong buồng lái trong các chuyến du lịch sau này.

Nữ hoàng Elizabeth II rời Fiji trong chuyến công du hoàng gia vào tháng 2 năm 1977. Ảnh:  Serge Lemoine

Là một người hướng tới 'du lịch xanh'

Mặc dù lẽ dĩ nhiên Nữ hoàng đã dành rất nhiều thời gian trên những chiếc máy bay, nhưng đó chắc chắn không phải là phương tiện di chuyển ưa thích của bà và trên thực tế, bà đã không bay trong nhiều năm, kể từ chuyến công du cuối cùng tới Malta vào năm 2015. Thời gian sau này, bà thích khám phá đất nước mình bằng tàu hỏa - đặc biệt là Nữ hoàng đã chọn đi Tàu hỏa Hoàng gia tới hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall vào năm 2021, thay vì di chuyển bằng một chuyến bay riêng kéo dài 20 phút hay sử dụng hệ thống xe điện tốc độ cao. Nữ hoàng cũng thường xuyên xuất hiện trong chiếc Range Rover chạy bằng động cơ hybrid thay vì loạt siêu xe hiện đại khác trong bộ sưu tập đồ sộ của mình.

Nữ hoàng Elizabeth II gặp gỡ công chúng trong chuyến công du của hoàng gia đến New Zealand, 1977. Ảnh: Serge Lemoine

Tuy nhiên, phương tiện để đi du lịch mà Nữ hoàng đặc biệt yêu thích là đi trên Du thuyền Hoàng gia Britannia, chiếc du thuyền mà hai vợ chồng bà đã cùng đồng hành suốt vài tháng trong những năm bảy mươi. Du thuyền được trang bị sang trọng đi kèm với đồ gỗ bằng gỗ gụ, ghế sofa và ghế bành sang trọng, được thiết kế để tái tạo tất cả những tiện nghi như ở cung điện. Trong suốt 40 năm, Britannia đã di chuyển hơn một triệu dặm và hoàn thành 968 chuyến đi chính thức trước khi ngừng hoạt động vào năm 1997. Đây cũng là một trong những lần duy nhất Nữ hoàng rơi nước mắt trước công chúng. Hiện tại, Du thuyền Hoàng gia Britannia được neo đậu tại Leith ở Edinburgh, thu hút hơn 300.000 khách du lịch tới tham quan mỗi năm.

Nữ hoàng Elizabeth II thăm kim tự tháp cổ trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mexico, 1975. Ảnh: Serge Lemoine

Những nơi trở thành điểm đến nổi tiếng sau chuyến thăm của Nữ hoàng

Thời điểm Nữ hoàng lần đầu tiên lên ngôi vào năm 1952, hầu hết người dân chỉ có thể mơ về những chuyến đi ở nước ngoài và hàng triệu người Anh lúc bấy giờ đã được "chu du qua màn ảnh nhỏ" cùng bà. Nhưng tất cả đã thay đổi vào những năm 60, thời kỳ thường được ca ngợi là “Thời đại vàng” của du lịch. Bấy giờ đã có nhiều người hơn tiếp cận được các vùng đất xa xôi. Các chuyến đi săn ở châu Phi, các chuyến đi thám hiểm vùng Caribe và các chuyến đi đến bãi biển của Brazil đều đã trở nên nổi tiếng sau khi được Nữ hoàng ghé thăm. Và Canada là đất nước được Nữ hoàng tới thường xuyên nhất với 27 lần. Trong khi đó, Australia là quốc gia Nữ hoàng dành nhiều thời gian nhất, trong một chuyến công du chỉ dưới hai tháng và không có gì ngạc nhiên khi hai quốc gia này vẫn là điểm đến rất phổ biến với những du khách Anh hiện nay.

Nữ hoàng Elizabeth II thăm Tòa thị chính ở Sydney với Emmet McDermott vào tháng 5 năm 1970. Ảnh: Hulton Archive

Hàng triệu người đã đến Anh để tham quan Cung điện Buckingham 

Ngoài các chuyến công du ở nước ngoài, Nữ hoàng cũng giống như một biểu tượng du lịch trong chính ngôi nhà của bà. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến Vương quốc Anh để chiêm ngưỡng bên trong một trong những dinh thự hoàng gia nổi tiếng nhất thế giới. Cung điện Buckingham thường xuyên đón hơn nửa triệu du khách trong mùa hè mở cửa mỗi năm, khi những người sở hữu tấm vé có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng 19 phòng bên trong và tham quan khu vườn, nơi tổ chức các bữa tiệc ngoài trời hàng năm nổi tiếng của bà. Nghiên cứu của VisitBritain tiết lộ rằng hơn 60% du khách nước ngoài đến Anh thường đến thăm những địa điểm gắn liền với gia đình hoàng gia và gần một phần ba tổng số chuyến đi đến Vương quốc Anh là để thăm các lâu đài hoặc công trình lịch sử. Kể từ năm 2018, Lâu đài Windsor và Ngôi nhà Frogmore đã thực sự làm lu mờ Cung điện Buckingham về mức độ nổi tiếng, với gần 1,6 triệu người đến thăm mỗi năm. Xu hướng này bắt đầu khi Nữ hoàng quyết định sống tại Lâu đài Windsor và không còn sử dụng Cung điện Buckingham làm nơi ở toàn thời gian.

Nữ hoàng Elizabeth II với hai chú chó tại Lâu đài Balmoral ở Scotland, ngày 28 tháng 9 năm 1952. Ảnh: Lisa Sheridan

Sở hữu phong cách thời thượng

Lái máy bay phản lực, là chủ nhân của tủ đồ du lịch tối tân hay bất kỳ chuyến du lịch hoàng gia nào cũng luôn được thực hiện với sự tinh tế và nhạy cảm về văn hóa đã thể hiện phong cách đầy cá tính của Nữ hoàng. Bà luôn thay trang phục ít nhất ba lần mỗi ngày trong các chuyến công du. Tất cả quần áo của Nữ hoàng đều được đánh số và đóng gói trong tủ thép có bánh xe, cùng với một bộ đen đề phòng có tang lễ bất ngờ. 

Nữ hoàng trong chuyến thăm Blois ở Pháp. Ảnh: Tim Graham

Không phải ngẫu nhiên mà Nữ hoàng thường mặc trang phục màu sắc tươi sáng trong các chuyến công du của mình: điều này là có chủ ý, để bà được “tin tưởng” (như những lời trong phương châm nổi tiếng của bà), và người chuẩn bị trang phục cho Nữ hoàng, Angela Kelly, sẽ được cử đến các điểm đến trước nhiều tuần để đảm bảo rằng trang phục được chọn không đụng hàng với phông nền. Để đảm bảo không xảy ra sự cố đáng tiếc nào trong tủ quần áo, những quả cân nhỏ đã được may vào gấu váy và áo của cô ấy, vì vậy bà không bao giờ phải lo lắng về một cơn gió bất ngờ.

Nữ hoàng và Hoàng thân Philip tại buổi thử ngựa. Ảnh: Tim Graham

Luôn là một du khách gan dạ

Nữ hoàng không bao giờ trốn tránh việc thực hiện các nhiệm vụ của mình ở nước ngoài, cho dù vì lý do cá nhân - chuyến công du Golden Jubilee năm 2002 của bà, diễn ra ở New Zealand, Australia và Canada, bắt đầu ở Jamaica chỉ 9 ngày sau cái chết của em gái bà. Năm 1961, bà đến Ghana trong bối cảnh tổng thống nước này, Kwame Nkrumah, bị đe dọa ám sát. Năm 1991, bà cùng Robert Mugabe, Tổng thống Zimbabwe, đến Harare để dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Khối thịnh vượng chung.

Nữ hoàng Elizabeth II ngồi trên xe để tham quan Công trình thép Sicarsta ở Acapulco, Mexico, ngày 18 tháng 2 năm 1983. Ảnh: David Levenson

Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là chuyến đi của bà đến Ireland vào năm 2011, khi bà trở thành quốc vương Anh đầu tiên đặt chân đến Cộng hòa Ireland (vị vua cuối cùng đến thăm là ông nội của bà, George V, một thế kỷ trước đó). Chuyến thăm kéo dài 4 ngày với các biện pháp an ninh chưa từng có, với 8.000 cảnh sát và binh lính trên các đường phố.

Đỗ An

Xem các bài viết của tác giả