Chia sẻ với VietNamNet về hiện tượng nổi tiếng nhanh trên TikTok bằng những clip nhảm, độc hại cũng như việc “nghiện” xem TikTok của nhiều người trẻ, NCS.ThS Giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường Đại học Mở TP.HCM khuyên, đừng cố nổi tiếng bằng mọi cách, cần tỉnh thức khi sử dụng mạng xã hội.

Theo ThS An, nếu biết sử dụng mạng xã hội, mọi người có thể kết nối, chia sẻ thông tin bổ ích và tìm thấy những giá trị tích cực.

“Tôi cũng có kênh TikTok, sử dụng Facebook, Zalo… nhưng chủ yếu để tương tác công việc, giải trí lành mạnh, đồng thời học hỏi từ các nội dung mới mẻ, bổ ích trên không gian khá rộng lớn này”, ThS An cho biết.

Anh có bình luận gì về việc nhiều người dùng TikTok để sản xuất nội dung vô bổ, thậm chí gây hại hiện nay?

-ThS Lê Trường An: Dưới góc độ của một người làm công tác giáo dục, tôi nghĩ những nội dung trên mạng xã hội nói chung, TikTok nói riêng là những thức ăn tinh thần. Cũng giống như thực phẩm nuôi thân, thực phẩm nuôi tâm hồn cũng có loại tốt, loại độc hại và nó tùy vào sự hiểu biết, nhu cầu của từng cá nhân mà người ấy chọn lựa sản phẩm phù hợp để theo dõi, vào xem thường xuyên.

Không thể phủ nhận sự thu hút của TikTok đối với giới trẻ bởi hình ảnh video sinh động, âm nhạc và hiệu ứng cũng phong phú. Nhiều kênh, với sự sáng tạo cùng khả năng ứng dụng công nghệ, tối ưu các kỹ thuật có sẵn, người thực hiện đã đóng góp cho cộng đồng những sản phẩm có hàm lượng kiến thức cao hoặc mang tính giải trí tích cực. 

Tuy nhiên, cũng có không ít kênh mà việc “đu” theo các trào lưu với hình ảnh quay không đẹp, không hề có nội dung gì hay, đôi khi dung tục nhưng cũng thu hút lượt xem, bình luận một cách bất ngờ. Chính những video kiểu này đã “cổ xúy” cho hàng loạt kênh TikTok nhảm nhí, độc hại ra đời, sống khỏe, trôi nổi trên mạng, trở thành thức ăn tinh thần gây phương hại cho không ít người, nhất là người trẻ chưa có kỹ năng, chưa hình thành bộ lọc tìm tới, bắt chước thực hiện theo.

Vậy làm sao để ngăn sự lan tỏa của những sản phẩm gây “ô nhiễm” không gian mạng xã hội như vậy?

- Mạng xã hội hiện nay tồn tại quá nhiều hình ảnh, video… độc hại đến mức cần những cảnh báo người dùng phải thận trọng trong việc tiếp nhận, chọn lọc để tránh bị dẫn dắt theo những nội dung không tốt ấy. 

Thực ra, nhiều văn bản pháp quy cũng đã có những hình thức xử phạt người đăng nội dung không chính xác, gây phương hại đến cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, việc này chỉ mới dừng lại ở những hành vi nghiêm trọng, ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng, thiệt hại kinh tế… Còn những nội dung khác vẫn còn thả nổi trên mạng mà thiệt hại ở đây chính là làm ô nhiễm đời sống tinh thần, khiến mọi người bội thực với thức ăn gây “ung thư” tâm hồn. 

Tôi nghĩ, mỗi người cần chuẩn bị tấm lưới cho mình để ngăn thông tin, hình ảnh độc hại. Hay nói cách khác là hãy tự bảo vệ mình bằng cách tìm đến những kênh được xây dựng với nội dung tử tế, đàng hoàng, mang tính giáo dục, có lợi ích về mặt thông tin, bổ dưỡng về kiến thức, hoặc giải trí lành mạnh để theo dõi. 

Đồng thời, để góp phần làm trong sạch không gian mạng xã hội, người dùng có thể báo cáo về đơn vị quản lý mạng xã hội đó những kênh hay sản phẩm cụ thể không đúng chuẩn mực về đạo đức, lối sống hoặc mang nội dung tiêu cực để nhà cung cấp có hình thức nhắc nhở hay xóa nội dung bị báo cáo ấy. Tích cực làm điều này thì phần nào sẽ giảm bớt “rác” mạng xã hội.

Nên nhớ, mạng xã hội là công cụ để mình sử dụng, đừng để nó dẫn dắt mình vào mê lộ, gây nghiện khó thoát hoặc làm mình bị ô nhiễm bởi những nội dung trên đó. 

NCS.ThS Lê Trường An.

Khi chúng ta là người sử dụng mạng xã hội thông minh ta sẽ tận dụng được kho kiến thức vô biên trên này. Tôi vẫn hay nói với sinh viên của mình rằng, các bạn hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.

Với những người sản xuất nội dung trên mạng xã hội TikTok, họ chỉ cần nhiều người theo dõi, hút người xem… để trở nên nổi tiếng. Vậy, với các video nhảm, độc hại mà họ cho ra đời - đạt được mục đích vừa nêu - thì có xem đó là thành công không thưa anh?

- Nổi tiếng phải đi kèm với tài năng, gồm những năng lực đặc biệt thuộc về nhiều lĩnh vực, từ giải trí, thể thao, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… thì mới bền vững. Nói là bền vững bởi vì nó được phát triển có nền tảng từ khả năng của người ấy cũng như sự cống hiến các giá trị tích cực của họ cho cộng đồng.

Còn sự nổi tiếng vì hiếu kỳ, “đu trend” trên mạng xã hội, vô bổ, độc hại sẽ là… con dao tự hại, khiến người ấy bị “chết chìm” trong đó. 

Theo đó, có thể vì thứ hư danh của sự quan tâm “ảo” từ cộng đồng mạng xã hội mà người ấy sống theo các xu hướng ấy, lâu ngày dài tháng trở thành thói quen xấu. 

“Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”. Ngạn ngữ này của phương Tây rất hay bởi cho chúng ta biết, mọi kết quả hay hậu quả trong cuộc đời này vốn dĩ do chính chúng ta kiến tạo hằng ngày.

Ham thành công nhanh, nổi tiếng lẹ sẽ khiến người đó lên nhanh nhưng cũng xuống sâu, trong thời gian ngắn. Bong bóng xà phòng lung linh nhưng “sớm nở tối tàn”. Do vậy, tôi nghĩ hãy xây dựng thành công trên những sở trường thực sự của bản thân, đừng chạy theo hư danh trên mạng xã hội bằng những nội dung mua vui, nhảm nhí. Mọi người “khen” bạn hay “thả tim” cho bạn thực ra là… khen cho nó chết đấy. 

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Trào lưu dọa ma trẻ em trên TikTok: Tàn nhẫn và ngớ ngẩn

Trào lưu dọa ma trẻ em trên TikTok: Tàn nhẫn và ngớ ngẩn

Nhiều phụ huynh nhốt con trong phòng, dọa ma để theo trend TikTok. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo người lớn đang đặt cược tinh thần của trẻ để đổi lấy lượt like trên mạng xã hội.
Bé 3 tuổi gào khóc nếu bố mẹ không cho xem TikTok

Bé 3 tuổi gào khóc nếu bố mẹ không cho xem TikTok

Từ khi hơn một tuổi, hai con sinh đôi (năm nay 3 tuổi) của chị Kim Quy (ngụ quận 8, TP.HCM) đã tiếp xúc với TikTok. Nếu không được xem như ý muốn, các bé sẽ gào khóc, bỏ ăn.
Người đàn ông đáng sợ nhất trên TikTok

Người đàn ông đáng sợ nhất trên TikTok

Chỉ trong vài tháng, Andrew Tate từ kẻ vô danh trở thành nhân vật tai tiếng trên mạng xã hội nhờ nội dung gây sốc, phản cảm và lệch lạc về phụ nữ.