Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, thể hiện trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật (nhạc, họa, thơ). Sự nghiệp của ông trải dài suốt thế kỷ XX và gắn bó chặt chẽ với lịch sử gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn của đất nước. Vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao trải qua nhiều khúc quanh, nhiều bước ngoặt, nhiều bước thăng trầm của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nghệ thuật hiện đại.
Nhưng ở thời kỳ nào, nhân cách nghệ sĩ và tài năng của Văn Cao cũng được ghi nhận. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/11/1923 - 15/11/2023), VietNamNet xin giới thiệu góc nhìn của các nhà văn, thơ, nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ về một nhạc sĩ Văn Cao.
Những sáng tác phản chiếu biến động thời đại
Nhận định về sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Văn Cao; TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng: “Tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: Thu cô liêu, Suối mơ, Trương Chi, Thiên Thai (1941)...”
Những năm đầu thập kỷ 40, trong ông xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, khỏe khoắn, cứng cỏi, hướng về lịch sử dân tộc như Gò Đống Đa (1940), Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941). Có thể coi đây là các ca khúc bước chuyển để chuẩn bị cho một thể loại mới trong âm nhạc Văn Cao - đó là hành khúc.
Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuôn nhạc hành khúc đầu tiên tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là Tiến quân ca. Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11/1944.
GS Phong Lê nói, từ năm 1945 Văn Cao đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến và chịu ơn. Bởi ông là tác giả của Tiến quân ca, rồi trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám 1944, ở Tân Trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn.
Quốc ca đã vang lên trong ngày 17/8/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền ca khúc cho Tổ quốc.
Nói về tác phẩm Tiến quân ca, nhạc sĩ Doãn Nho bày tỏ xúc động: “Tiến quân ca được viết từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ, ông đã trực tiếp cầm súng cùng đội biệt động làm nhiệm vụ đi diệt và cảnh cáo bọn Việt gian trong thời điểm cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã cận kề. Những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao theo thời gian đã chứng minh tính chuyên nghiệp cao, mặc dù chủ yếu ông tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, khi những nhạc phẩm ấy vang lên, ta cảm nhận rõ có sự hiện hữu của nghệ thuật hội họa và thơ văn mang đậm cá tính sáng tạo của ông”.
Sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của Văn Cao còn nối dài đến 1975 với tác phẩm Mùa xuân đầu tiên như một sự đón đợi kỳ diệu niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam Bắc sau 20 năm bị chia cắt, dẫu phải đến thập niên 1990 công chúng mới được biết đến.
Chất thơ trong ca từ của Văn Cao
PGS, TS Nguyễn Thành phân tích: “Trong ca khúc Văn Cao, ca từ, cách gieo vần, ngắt nhịp thường theo nguyên tắc của thi ca. Tính tạo hình, liên tưởng đều rất nổi bật. Nhạc tính hài hòa với thi tính. Đó là một trong những sở trường của người nghệ sĩ tài hoa này”.
Trước tháng 8/1945, nhạc và thơ Văn Cao cũng như Thơ mới và nhạc tiền chiến đều có chung một giọng điệu/giai điệu trầm buồn, cái buồn sâu lắng và thanh thoát, có sức truyền cảm và lan tỏa. Đặc biệt, ca khúc đầu tay Buồn tàn thu mang cấu trúc của một bài thơ tự do với ngôn từ mềm mại, uyển chuyển, vừa trữ tình, vừa tự sự.
Theo lời kể của họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao - con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, chứng kiến tất cả những hi sinh mất mát của người dân khi Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, ông đã cho ra đời Trường ca Sông Lô bất hủ, trở thành một trong những nhạc sĩ khai sinh ra trường ca, một thể loại lớn rất gần với tiểu thuyết trong văn học.
Bên cạnh đó, còn một số thể loại âm nhạc cần ghi nhận vai trò của ông. Với mảng hành khúc cách mạng, Văn Cao để lại các tác phẩm như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Thăng Long hành khúc ca, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội...
Trong thời kỳ này, ông còn viết một số ca khúc trữ tình nhưng tính chất âm nhạc không còn giống thời kỳ đầu. Đây là những khúc ca mang tinh thần lạc quan, thấm đượm tình yêu nước, yêu đời như: Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948).
Ở cả hai thể loại này, Văn Cao đều có khả năng đẩy chúng đạt đến trình độ tuyệt tác. Trường ca Sông Lô, xét về ca từ, đã có sự luyến láy, tạo nhịp điệu và tiết tấu, với độ ngân vang trữ tình da diết. Hay những ca khúc viết về lãnh tụ, về công nhân và chiến sĩ của Văn Cao bao giờ cũng đầy rung cảm trong từng giai điệu và tứ thơ.
Có lẽ vì vậy, nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: “Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu nước ta... Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại”.
Ngoài thanh nhạc, Văn Cao còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc dành cho piano, như: Sông Tuyến, Biển Đông, Hàng dứa xa..., đặc biệt cho nhạc phim như: Chị Dậu (1980), tổ khúc giao hưởng phim Anh bộ đội Cụ Hồ của xưởng phim Quân đội Nhân dân...
Theo nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, di sản ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao không chỉ đồ sộ về số lượng mà rất đặc sắc và đa sắc: lãng mạn và bi tráng, mượt mà và gân guốc, giản đơn và hoành tráng, khái quát và cụ thể, cổ thi và hiện đại, thoát tục siêu thực và cũng lại rất thực, rất đời. Sự độc đáo, hấp dẫn ở ông có lẽ bắt nguồn từ biệt tài sáng tạo nghệ thuật mang tính “liên minh”: nhạc đầy chất thơ, thơ giàu tính nhạc, và trong cả hai đều bắt gặp tư duy hội họa. Cũng như với thơ và họa, nhạc của ông không thiếu những khai mở khám phá. Với sức sáng tạo vô bờ và tư tưởng tiên phong, “người đi dọc biển” Văn Cao đã luôn bị hấp dẫn bởi những “lối cát chưa có dấu chân”.
Vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, nhạc sĩ Văn Cao đã ghi danh vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian.