Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Tôi vinh dự được ông mời viết lời tựa cho tác phẩm Hà Nội và tôi xuất bản năm 2021. Cũng năm đó, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 10 đã kết nạp ông vào Hội. Khi rà soát hồ sơ xin vào Hội, chúng tôi thấy tên ông và ngạc nhiên vì ông chưa được kết nạp dù đơn vào Hội của ông đã có từ 30 năm trước. Ban chấp hành nhất trí 100% kết nạp ông với thái độ trân trọng với những gì ông đã sáng tác trong cuộc đời mình.
Nhưng sau đó, ông đã viết một lá thư ngỏ trên Facebook gửi Ban chấp hành xin rút khỏi danh sách kết nạp. Với lời lẽ chân thành và tinh tế, ông cám ơn Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nói mình đã già và mong muốn những người viết trẻ thay chỗ của ông. Chúng tôi tôn trọng quyết định của ông cũng như tôn trọng tinh thần và thái độ cầm bút của ông.
Giờ ông đã rời bỏ thế gian mà ông đã yêu thương và đau đớn.
Xin cúi đầu tiễn biệt ông.
Xin cầu nguyện cho linh hồn ông đập những nhịp cánh thanh thản về miền mây trắng".
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến mất sáng 19/6 vì bệnh tuổi già, thọ 78 tuổi. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết trước khi qua đời, ông mắc bệnh gan khoảng nửa năm.
Vũ Ngọc Tiến sinh năm 1946 ở làng Yên Thái, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông có tác phẩm in trên báo từ năm 1966, dưới bút danh Vũ Liên Châu, nhưng đến năm 1969 thì nghỉ viết. Năm 1994, ông mới trở lại làng văn với nhiều bút danh như Vũ Mai Hoa Sơn, An Thái, An Thọ, Vũ Ngọc Tiến.
Tác giả viết đa dạng thể loại như ký, phóng sự, điều tra, truyện ngắn, phê bình tiểu luận... Ông từng có giải thưởng ở cuộc thi Ký - Phóng sự do báo Văn Nghệ và Hội Nhà văn tổ chức năm 1996-1997 và 2002-2003.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến là tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử ghi dấu ấn với người đọc như: Khói mây Yên Tử (2001), Quân sư Đào Duy Từ (2002), Giao Châu tụ nghĩa (2002), Quỷ vương (2016), Kẻ sĩ thời loạn (2019). Với truyện ký, ông có tập Hà Nội và tôi (2021) được viết bằng một thứ văn chương vừa tao nhã, tinh tế, vừa đau đớn và trung thực.
Ngoài ra, ông còn viết nhiều tác phẩm ký, phóng sự, điều tra, truyện ngắn, phê bình tiểu luận đăng trên các báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Người Hà Nội, Tia Sáng, Tuần Tin Tức… và gần 100 kịch bản, lời bình cho các phim tài liệu truyền hình.
Thiên Di