Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành chủ động bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ các sự kiện chính trị xã hội quan trọng của Việt Nam trong năm 2020 (Ảnh minh họa: VNPT) |
Chỉ thị 02 về bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của Việt Nam năm 2020 được Bộ TT&TT ban hành ngày 3/1/2020.
Bộ TT&TT nêu rõ, năm 2020 Việt Nam sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước; là năm tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Công sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), cũng trong năm tất cả các địa phương trong cả nước tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII dự kiến tổ chức vào năm 2021.
Về công tác đội ngoại, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đây là trách nhiệm to lớn và cũng là cơ hội để quảng bá các thành tựu kinh tế, văn hóa cũng như nâng tầm quan trọng về địa chính trị của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Về lĩnh vực viễn thông – CNTT, Bộ TT&TT sẽ chủ trì và phối hợp với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số - ITU Digital World 2020 với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số”, theo đó Việt Nam sẽ là nước đầu tiên đăng cai tổ chức sự kiện này với tên gọi mới. Hội nghị dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 5.000 đại biểu tới từ hơn 100 nước thành viên ITU.
Để chủ động trong công tác bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho các sự kiện chính trị - xã hội dự kiến diễn ra trong năm 2020, tại Chỉ thị 02, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu tổ chức thực hiện phương án bảo đảm mạng lưới viễn thông công cộng hoạt động thông suốt. Thường xuyên rà soát, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống thiết bị, đường truyền; bố trí đủ kênh, đủ luồng bảo đảm cho hạ tầng mạng lưới và dịch vụ viễn thông (cố định, Internet, di động, vệ tinh) hoạt động tốt; tăng cường dung lượng truyền dẫn quốc tế để đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan, tổ chức, phóng viên và người dân.
Đồng thời, xây dựng các phương án tối ưu dự phòng phân tải, ứng cứu tình huống, sự cố bất thường gây tắc nghẽn các mạng và dịch vụ viễn thông; chủ động tăng cường đủ lực lượng, phương tiện vật tư, thiết bị; tổ chức thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực điều hành, trực ca, trực ứng cứu thông tin, trực vận hành khai thác mạng viễn thông.
Các doanh nghiệp viễn thông cũng được yêu cầu phải xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; ngăn chặn các nội dung thông tin độc hại tuyên truyền, xuyên tạc chống phá hội nghị, sự kiện. Tham gia khắc phục sự cố, ứng cứu kịp thời không để ngưng trệ thông tin khi nhận được thông tin điều phối từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cùng với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT như Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương và Cục An toàn thông tin, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng chỉ đạo các Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tại địa phương (nếu có) tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp ngành TT&TT triển khai tốt nhiệm bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn.