Sau khi đứt mạch 4 tuần tăng liên tiếp trong tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán mạnh với chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt hơn 600 điểm. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua.

Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng giảm hơn 2,1%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất gần 2,6%.

Đợt giảm giá lần này đánh dấu sự kết thúc của một chuỗi hồi phục sau cú giảm 23% kéo dài từ đầu năm cho tới giữa tháng 6/2022.

Giới đầu tư đánh cược vào khả năng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ có những tuyên cố cứng rắn tại Hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên Jackson Hole của ngân hàng trung ương các nước (từ 25-27/8).

Trước đó, các thị trường chứng khoán châu Á cũng đã giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần hôm 22/8 cũng vì lo ngại tương tự.

Gần đây, các quan chức Fed trong đó có cả chủ tịch Jerome Powell đưa ra cảnh báo cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc. Và Fed kiên định mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% (từ mức 8,5% như hiện tại).

Điều này làm tan hy vọng Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại, và có thể hạ lãi suất vào năm tới, sau khi cơ quan này đã có 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay, trong đó có hai đợt tăng 75 điểm cơ bản vừa qua.

Với khả năng Fed có thể sẽ tiếp tục giữ đà tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới (gần nhất là tháng 9), đồng USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá và qua đó, tác động xấu tới nhiều loại tài sản, trong đó có vàng, chứng khoán, tiền số…

Nền kinh tế Mỹ đang có những diễn biến khó đoán định. GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp với quý I/2022 suy giảm 1,6% và quý II/2022 giảm 0,9%. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn khá sáng sủa, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức: 3,5% - thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Doanh số bán lẻ vẫn khá tốt. Dù vậy, lạm phát ở vùng cao nhất 40 năm qua.

Lạm phát Mỹ ở vùng cao nhất 40 năm qua.

Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt từ mức 9,1% trong tháng 6 xuống 8,5% trong tháng 7 nhưng mức chi tiêu của người Mỹ khiến không ít dự báo cho rằng giá cả tiêu dùng sẽ khó giảm một cách nhanh chóng.

Theo ING, Fed có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm trong cuộc họp tháng 9, sau đó tăng thêm 50 điểm trong cuộc họp tháng 11 và 25 điểm lãi suất cơ bản trong tháng 12 trước khi kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện nay. Dù vậy, vẫn có khả năng Fed tăng lãi suất mạnh hơn trong tháng 9 và chu kỳ tăng lãi suất có thể kéo dài hơn sang năm sau.

Còn theo khảo sát của Reuters, đa số các chuyên gia kinh tế dự báo Fed tăng lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Khi đó lãi suất cơ bản đồng USD sẽ được nâng lên mức 2,75-3%.

Từ tháng 3 tới nay, Fed đã có 4 lần nâng lãi suất, tổng cộng 2,25%.

Việc Fed liên tục nâng lãi suất khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái. Khảo sát của Reuters cho thấy, có 45% khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong vòng một năm tới. Phải ít nhất sau 2024, Fed mới kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%.

M. Hà