Ở tuổi 30, Nguyễn Thị Huyền vẫn bền bỉ như một cỗ máy. Chân chạy người Nam Định cùng các đồng đội bước lên đỉnh vinh quang châu Á với sự khâm phục và đầy tự hào.
Xem video:
Cú bứt tốc ngoạn mục
Sau khi niềm hy vọng huy chương Nguyễn Thị Oanh thi đấu không thành công ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật, mọi sự chú ý của người hâm mộ đổ dồn về nội dung tiếp sức 4x400m nữ trong ngày thi đấu cuối cùng của giải điền kinh vô địch châu Á 2023.
Đội Việt Nam đăng ký tham dự với 4 gương mặt Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh. Bộ tứ này đã giành HCV SEA Games 32 cách đây 2 tháng tại Campuchia.
Lần này, chiến thuật của đội tiếp sức Việt Nam có một thay đổi rất thú vị. Chân chạy chủ lực Nguyễn Thị Huyền không phải là người chạy cuối, mà được giao nhiệm vụ chạy ở vị trí số 3.
Quyết định táo bạo của BHL tuyển điền kinh Việt Nam cùng sự xuất sắc của từng cá nhân trên đường chạy tiếp sức 4x400m đã tạo nên một trong những cuộc tranh tài hấp dẫn nhất giải đấu.
Sau khi hai đàn em Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Minh Hạnh giúp đội nữ Việt Nam xếp thứ 3, bước ngoặt được Nguyễn Thị Huyền tạo ra. Cô gái quê Nam Định nhận gậy từ đồng đội, lập tức bứt tốc bám đuổi và vượt qua VĐV người Sri Lanka. Ở 80m cuối, bà mẹ một con chạy nước rút vượt qua VĐV dẫn đầu người Nhật Bản để trao gậy cho Nguyễn Thị Hằng.
Và ở vòng cuối, với một chuyên gia chạy tiếp sức như Nguyễn Thị Hằng, tấm HCV coi như đã cầm chắc trong tay các cô gái Việt Nam. VĐV người Ba Vì (Hà Nội) về đích đầu tiên, bỏ xa đối thủ bám phía sau tới chục mét.
"Vàng mười" của Nguyễn Thị Huyền
Sáu năm trước, ở giải vô địch điền kinh châu Á 2017 tại Ấn Độ, Nguyễn Thị Huyền cùng Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan và Hoàng Thị Ngọc giành HCB, nhưng sau đó được đôn lên nhận HCV do một VĐV người Ấn Độ bị phát hiệu sử dụng doping.
Lần này, tấm HCV của Huyền và các đồng đội là hoàn toàn xứng đáng, hội tụ đầy đủ những phẩm chất tuyệt vời: Chiến thuật, tinh thần tập thể, sức mạnh, sức bền, tốc độ, ý chí...
Với riêng Nguyễn Thị Huyền, tấm HCV thứ 2 ở giải châu Á thực sự vô tiền khoáng hậu. Ở tuổi 30 và đang phải nuôi con, ít ai ngờ cô vẫn có thể bền bỉ như một cỗ máy.
Không ít lần Nguyễn Thị Huyền thổ lộ muốn giải nghệ. Thực tế thì cô đã từng có thời gian dài bỏ điền kinh để sinh con, nhưng rồi vẫn trở lại đầy kinh ngạc.
Nếu như ở đấu trường SEA Games, với 13 HCV, Nguyễn Thị Huyền trở thành VĐV điền kinh sở hữu nhiều HCV nhất trong lịch sử Đại hội thể thao Đông Nam Á, thì sân chơi châu Á vẫn đang chờ đợi những kỷ lục tiếp theo của chân chạy sinh năm 1993.
Sau tấm HCV châu Á danh giá trên đất Thái Lan, Nguyễn Thị Huyền cùng các đồng đội có khoảng 2 tháng chuẩn bị cho Asiad 19. Bà mẹ một con vẫn tiếp tục gác lại chuyện gia đình, chấp nhận những hy sinh để khổ luyện vì vinh quang của thể thao Việt Nam.
Đội tiếp sức nữ được thưởng nóng gần 400 triệu đồng
Sau khi giành HCV, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Minh Hạnh được Liên đoàn điền kinh và nhà tài trợ thưởng nóng 100 triệu đồng. Một mạnh thường quân cũng thưởng mỗi VĐV 100 USD. Ngoài ra, theo quy định của nhà nước, mỗi VĐV giành HCV châu Á môn điền kinh được thưởng 70 triệu đồng.