Tôi nghĩ rằng có nhiều thang đo và tiêu chuẩn để định nghĩa một giáo viên giỏi. Ở mỗi môi trường khác nhau, các tiêu chuẩn lại được định nghĩa và chỉnh sửa đôi chút. 

Ví dụ, ở các cấp đào tạo từ cấp 1, 2, 3 rồi đại học/cao đẳng thì yếu tố đánh giá được phân tầng (tăng dần và chi tiết hơn theo cấp độ) và được chỉnh sửa hay bổ sung cho phù hợp với đặc tính môi trường giảng dạy. 

Giáo viên giỏi có thể là người đào tạo ra nhiều học sinh/sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi hay giành được các học bổng lớn/nổi tiếng ở trong nước và quốc tế. Cũng có thể giáo viên giỏi đơn giản là hoàn thành tốt công tác giảng dạy (đủ khối lượng, đúng tiến độ) hoặc đạt được nhiều kết quả cao trong công tác nghiên cứu... 

Ảnh minh họa

Tôi cho rằng việc đánh giá một giáo viên đạt chuẩn “giỏi” phụ thuộc nhiều vào môi trường người đó công tác và đôi lúc, việc đánh giá phụ thuộc nhiều vào chủ đích/mong muốn của người đánh giá. 

Bản thân tôi thấy một giáo viên giỏi hiện nay được xã hội/học sinh/sinh viên định nghĩa bằng các giá trị bề nổi. 

Nhưng theo tôi, giáo viên giỏi ngoài “dạy” giỏi, “làm” giỏi, “công tác” giỏi thì còn cần giỏi cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng học sinh của mình ở mỗi chặng đường mà các em đi qua.

Thực tế trên chặng đường phát triển, ai cũng có những khoảng thời gian chập chững, vấp ngã, lạc lõng rồi mới đi đến thành công. 

Rất ít người vừa học đã thành công ngay lập tức. Việc có người đồng hành trên chặng đường dài là một sự khích lệ, hỗ trợ không hề nhỏ, có thể tạo nên bước ngoặt cũng như rút ngắn tương đối nhiều thời gian cần phải bỏ ra để đạt đến một cột mốc nhất định nào đó. 

Chính tôi cũng có nhiều người thầy/cô như vậy và các thầy, cô đã giúp tôi rất nhiều để đi đến giai đoạn hiện tại. Thời tôi còn học đại học ở Việt Nam, có một thầy giáo đã đồng hành và giúp đỡ tôi rất nhiều, nhất là khi tôi vừa bước chân vào con đường nghiên cứu. 

Sau những sai lầm tôi mắc phải, thầy chưa bao giờ quát mắng hay “dìm” ý tưởng của tôi mà luôn động viên, khích lệ để tôi có thể phát huy được khả năng của bản thân và không tự ti trước những nhược điểm của mình. Thầy còn sẵn sàng đồng hành cùng tôi khắc phục sai lầm.

Đó là người thầy chưa bao giờ từ chối câu hỏi của tôi, sẵn sàng nán lại để giải đáp tất cả những thắc mắc tôi đang gặp, thậm chí còn truyền cảm hứng và động lực để tôi tiếp tục vươn xa hơn nữa.

Sau này nhìn lại, tôi mới thấy chính sự tận tình giúp đỡ ấy đã đóng góp rất nhiều trong thành công của tôi hiện tại. Sự quan tâm, chỉ bảo của thầy đã khiến tôi không từ bỏ ước mơ trên chặng đường dài mà tôi đang theo đuổi. Không từ bỏ chính là thành công lớn nhất mà tôi đạt được cho đến bây giờ. 

Trần Thanh Nhân Đức  - đang học Tiến sĩ tại Đại học Virginia (Mỹ) 

Trong giáo dục có 1 mệnh đề «Muốn có học trò giỏi thì cần có giáo viên giỏi». 

Nhưng định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi thì mỗi thời sẽ có những chuẩn khác nhau làm thước đo đánh giá. 

Nếu như với giáo dục truyền thống, người thầy giữ vị trí trung tâm, là chân lý thì theo quan điểm giáo dục hiện đại, người thầy đóng vai trò là một mentor – người định hướng, người truyền cảm hứng. 

Trong thời đại 4.0, khi tất cả kiến thức đều dễ dàng tìm thấy, tiếp cận chỉ qua đôi ba dòng lệnh, vai trò của người thầy cũng có những thay đổi rất đáng kể. Việc đánh giá, nhìn nhận thế nào là một giáo viên giỏi cũng do đó mà thay đổi theo. 

Để cùng trao đổi, thảo luận và nhìn nhận lại việc đánh giá một nhà giáo trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 có thay đổi gì so với thời đại trước, Ban Giáo dục báo điện tử VietnamNet mở diễn đàn: "Thế nào là một giáo viên giỏi?".

Bạn đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Xin cảm ơn!