{keywords}
Các thành viên của một tổ chức phi chính phủ ở Tokyo đang tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội có đề cập tới tự tử với hi vọng có thể thuyết phục được nạn nhân không tước đi mạng sống của mình.

Năm ngoái, số vụ tự tử được ghi nhận ở Nhật Bản là 19.959 vụ. Kể từ khi các nhà chức trách bắt đầu lưu giữ hồ sơ của những người tự tử vào năm 1978, đây là lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 20.000 vụ - theo số liệu sơ bộ được công bố bởi Bộ Y tế mới đây.

Bộ này cho biết, cũng có thể con số cuối cùng được công bố vào tháng 3 sẽ tăng lên trên 20.000 vụ, nhưng ngay cả như vậy thì năm 2019 cũng sẽ là năm số người tự tử ở nước này thấp nhất trong lịch sử, phá kỷ lục của năm 1981 là 20.434 vụ.

Số liệu từ Bộ Y tế cũng cho thấy năm 2019 là năm thứ 10 liên tiếp số vụ tự tử giảm xuống, cụ thể là giảm 881 người – tương đương 4,2% so với năm trước đó.

Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ tự tử của Nhật Bản đang càng ngày càng tiệm cận tới mục tiêu mà chính phủ đặt ra là tương đương với nhiều quốc gia phát triển khác vào năm 2026.

Ông Yoshindo Nonaka – quan chức của Bộ Y tế cho biết, sự phục hồi của nền kinh tế cộng với những nỗ lực của chính phủ là lý do giúp kiềm chế số vụ tự tử.

‘Đúng là chúng ta có số vụ tự tử giảm xuống trong vòng 1 thập kỷ qua, nhưng vẫn có 20.000 người đã tước đi mạng sống của mình mỗi năm. Chúng ta cần đối mặt với thực tế này khi thực hiện chiến dịch ngăn ngừa các vụ tự tử’ – ông Nonaka cho hay.

Năm 1998, số vụ tự tử ở Nhật tăng lên do tình trạng thất nghiệp – một hệ quả từ những vụ phá sản của những ‘gã khổng lồ’ trong nền kinh tế. Con số này đạt đỉnh điểm vào năm 2003 với 34.427 người tự tử và giảm xuống đều đặn từ năm 2009 đến nay.

Yasuyuki Shimizu, người điều hành Lifelink – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo nhằm ngăn chặn các vụ tự tử, cho biết việc ban hành luật chống tự tử mang tính bước ngoặt vào năm 2006 đã kích hoạt xu hướng giảm dần. Luật này được sửa đổi lần đầu tiên vào năm 2016 để bắt buộc các thành phố phải vạch ra những kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết tình trạng tự tử trên địa bàn của mình.

Dù vậy, ông Shimizu đồng tình với ông Nonaka rằng không nên tự mãn với sự sụt giảm này.

‘Con số 20.000 người tự tử mỗi năm vẫn là một tình trạng bất bình thường và không có gì để lạc quan’ – ông nói.

‘Chính quyền các thành phố nên làm nhiều hơn để giúp công dân của mình được sống. Chính phủ cũng nên hỗ trợ các chính sách một cách mạnh mẽ hơn’.

Mặc dù con số tổng thể giảm xuống nhưng khi nhìn kỹ thì còn một thực tế đáng lo ngại khác, đó là số người trẻ tự tử không hề giảm.

Dữ liệu của Bộ Y tế cũng cho thấy tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em Nhật Bản từ 10 đến 19 tuổi vào năm 2017. Năm 2018, tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở tất cả các nhóm tuổi từ 15 đến 39.

‘Nhật Bản nằm trong nhóm 7 quốc gia có nguyên nhân tử vong lớn nhất cho nhóm 15-34 tuổi là tự tử’.

Ông Shimizu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp như tăng cường các chương trình hỗ trợ người trẻ qua mạng xã hội, dạy họ các kỹ năng sống cần thiết…

‘Ngăn chặn những vụ tự tử của người trẻ là một vấn đề hết sức cấp bách’ – ông khẳng định.

Gia đình Ấn Độ dọn đến ở ngôi nhà có 11 người tự tử

Gia đình Ấn Độ dọn đến ở ngôi nhà có 11 người tự tử

Một nhà nghiên cứu bệnh học và người thân đã thuê và dọn đến ở căn nhà mà trước đó một gia đình 11 người đã tự tử ở đó.

Nguyễn Thảo (Theo Japan Times)