Họ giờ đã nghỉ hưu và đều mang cấp hàm đại tá, nhưng vào năm 1973, tổ bay 5 người này đã từng lái máy bay chuyên cơ chở Chủ tịch Cuba Fidel Castro - người bạn lớn của nhân dân VN - vào thăm vùng giải phóng miền Nam VN.
Bức ảnh đoàn bay chụp cùng Chủ tịch Fidel với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sân bay Gia Lâm năm 1973 |
Phi cơ trưởng và hoa tiêu
Năm người đó là: ông Nguyễn Văn Oanh (phi cơ trưởng), ông Phan Hồng Tâm (phi cơ phó), ông Đoàn Minh Hội (hoa tiêu), ông Nguyễn Văn Hợi (kỹ sư bay) và ông Hồ Văn A (phụ trách thông tin). Trong số họ, chúng tôi tìm gặp được ông Oanh và ông Hội.
Ngoài 5 người chính kể trên, còn có 2 nữ tiếp viên bay cùng.
Để vinh dự được chọn lái chuyên cơ, theo ông Nguyễn Văn Oanh, họ phải được lựa chọn rất kỹ. Thứ nhất là sức khỏe phải tốt. Thứ hai là lý lịch gia đình phải đảm bảo tin cậy tuyệt đối. Riêng phi cơ trưởng thì cần thêm yêu cầu thứ ba là trình độ lái ở loại khí tượng nào cũng phải đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Oanh quê ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Đi bộ đội từ năm 1953, sau năm 1954, ông được tuyển vào không quân. Từ năm 1955, ông học lái máy bay ở Trường Hàng không Ba-la-xốp, Liên Xô (cũ). Ông Oanh thuộc khóa đầu tiên của Không quân VN.
Ông Đoàn Minh Hội quê Sóc Sơn, Hà Nội, nhưng theo gia đình vào miền Nam từ nhỏ. 15 tuổi, Đoàn Minh Hội đi bộ đội thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 1954, ông Hội tập kết ra Bắc. Thời gian sau, ông Hội theo học ở Trường Ki-rô-vô-grát (trường Hoa tiêu cao cấp của Liên Xô cũ), nằm trên đất Ukraine. Ông học từ năm 1965, đến 1966 thì về nước vào phục vụ trong không quân.
Với họ, những người lính không quân, mỗi chuyến bay là một trách nhiệm và vinh dự mà họ phải làm tròn và nêu cao phẩm chất người lính của mình.
Chuyến bay lịch sử
Ngày 12/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro đến VN và được các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng hàng vạn nhân dân Hà Nội đón tiếp nồng nhiệt ở sân bay Gia Lâm. Các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã ngồi chung một chiếc xe mui trần chạy từ sân bay về đến nhà khách Chính phủ trên phố Ngô Quyền.
Công tác an ninh bảo vệ cho Chủ tịch Fidel Castro được Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) trình Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là ông Trần Quốc Hoàn rất kỹ lưỡng. Theo chỉ đạo chung, phải đặc biệt chú ý biện pháp khoa học kỹ thuật, dò chất nổ trên tuyến đường đi và những địa điểm Chủ tịch dừng chân, vì mới ký kết Hiệp định Paris, bom đạn của địch còn nhiều.
Theo dự kiến, Chủ tịch Fidel Castro sẽ đi thăm Hải Phòng và Quảng Trị. Nhưng vì một lý do đặc biệt, đêm 16/9, Chủ tịch Fidel nhận được tin Tổng thống Allende của Chile, người bạn chiến đấu của ông ở châu Mỹ Latinh vừa bị bọn phản động giết hại. Chủ tịch phải rút ngắn thời gian chuyến thăm.
Để bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn cho chuyến đi vào tuyến lửa Quảng Trị, một mặt ta vẫn bố trí đón Chủ tịch ở Hải Phòng như kế hoạch. Trên các phương tiện thông tin, ta vẫn đưa tin cuộc hội đàm giữa hai đoàn lãnh đạo cấp cao VN - Cuba diễn ra ở Hà Nội vào ngày 15/9/1973.
Mặt khác, cùng thời điểm, lực lượng của Trung đoàn 600 đã vào Quảng Trị trước để làm nhiệm vụ bảo vệ địa điểm. Biện pháp nghi binh đó đã bịt mắt được tình báo nước ngoài về các hoạt động của Chủ tịch Fidel Castro ở VN. ông Nguyễn Quang Chiêm - Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Fidel Castro…
Ông Đoàn Minh Hội |
Chuyến bay chở Chủ tịch Fidel Castro được tổ chức trên chuyên cơ mang số hiệu VN 1094 do Liên Xô sản xuất, tổ bay mang ký hiệu AN24.
Ký ức in nguyên
Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại chuyến bay chở Lãnh tụ Cuba Fidel Castro vào thăm chiến trường miền Nam, ông Oanh và ông Hội đều thấy tự hào.
"Khoảng 8 giờ sáng ngày 16/9/1973, chúng tôi chính thức được lệnh chở Lãnh tụ Fidel Castro vào thăm tuyến lửa. Trước đó, chúng tôi biết Chủ tịch Fidel đang ở VN và có ý định vào thăm vùng giải phóng rồi, nhưng không biết ai sẽ vinh dự được chở vị khách đặc biệt đó? Đến khi cấp trên quyết định giao cho chúng tôi, thì chúng tôi rất phấn khởi, tự hào", ông Oanh nhớ lại.
Trên chuyến bay, Chủ tịch Fidel ngồi trong buồng khách. Vốn là người ham hoạt động, Chủ tịch đã vào tận buồng lái thăm tổ lái. Không biết ngôn ngữ của nhau, nên họ không trò chuyện được. "Nhưng khi bay qua những địa danh quan trọng, chúng tôi đều chỉ cho Chủ tịch Fidel biết. Chẳng hạn như bay qua sông Hiền Lương, có câu cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị, là nơi Vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước, chúng tôi chỉ cho ông thấy" - ông Oanh kể.
Do được nghiên cứu, theo dõi khí tượng thời tiết kỹ, để chuẩn bị cho chuyến bay từ mấy ngày trước đó nên chuyến bay rất thuận lợi. Khoảng 9 giờ sáng, họ đáp xuống sân bay Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đó là một sân bay dã chiến, nền sân bay được lót bằng ghi sắt. Một bên sân bay là núi, bên kia là trảng cát dài và biển. Lãnh đạo và nhân dân Đồng Hới, Quảng Bình tổ chức một đoàn ra đón tại sân bay. Sau đó, xe ôtô chở Chủ tịch Fidel Castro vào thăm vùng vừa mới giải phóng và khu vực tuyến lửa. Để giữ bí mật tuyệt đối cho chuyến đi, ngay sau đó tổ bay được lệnh bay trở về sân bay Gia Lâm.
Đoàn xe đi được khoảng 20km từ Đồng Hới, Chủ tịch Fidel Castro bỗng nhiên đề nghị cho dừng xe vì nhìn thấy một số người đang cáng một người bị thương. Ông xuống xe và hỏi thăm ân cần nữ thanh niên mới 17 tuổi bị thương do bom bi nổ khi cô đang cùng Đoàn Thanh niên địa phương lấp hố bom.
Xúc động mạnh mẽ, Chủ tịch Fidel Castro tức thời lệnh cho Đại sứ Cuba Valdes Vivo bố trí ôtô chở nạn nhân ra Vĩnh Linh cấp cứu và quyết định giúp VN xây dựng ngay một bệnh viện tại Đồng Hới. Tinh thần "Vì VN, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình" đã thể hiện trong từng cử chỉ của Chủ tịch Fidel Castro.
Sau buổi gặp mặt với đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN tại "thủ đô" Cam Lộ (Quảng Trị), Chủ tịch Fidel Castro đi thăm và dự mít tinh tại cao điểm 241 Tân Lâm, vốn là căn cứ lớn của Mỹ mới được ta giải phóng, nhiều nơi vẫn còn ngổn ngang xác xe tăng, thiết giáp, đại bác của địch. Với vóc dáng to lớn, oai phong lẫm liệt, trong bộ quân phục xanh ô liu, đội mũ lưỡi trai, đi giày cao cổ, được các chiến sĩ giải phóng bao quanh, Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN và dõng dạc hô to như mệnh lệnh: "Các ông hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn! Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!".
Biểu tượng tình hữu nghị sắt son
Khi lãnh tụ Fidel Castro thăm chiến trường miền Nam xong, tổ bay đặc biệt lại được lệnh bay vào Đồng Hới, chở vị khách quý này về Hà Nội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Thượng tướng Lê Văn Tri (Tư lệnh Phòng không không quân) ra đón họ ở sân bay Gia Lâm. Cả tổ bay chụp một bức ảnh chung với Chủ tịch Fidel và lãnh đạo nhà nước. Bức ảnh do nhà nhiếp ảnh, nhà báo Đinh Đăng Định chụp…
Gần 40 năm sau ngày kỷ niệm quan trọng đó, ông Đoàn Minh Hội vẫn còn nhớ rất rõ là lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp mặc một bộ quân phục màu xanh mới tinh, rất đẹp mà lần đầu tiên Đại tướng mặc. Bức ảnh trắng đen đó đến nay vẫn còn và được những người trong cuộc coi như một báu vật của đời mình. Hiện ở nhà ông Nguyễn Văn Oanh và ông Đoàn Minh Hội vẫn còn treo trang trọng bức ảnh đó trong nhà.
Vào ngày 1/5/2009, kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn bay 919, tổ bay 5 người đã gặp mặt tại Hà Nội và chụp chung hình lưu niệm. Đoàn bay 919 là đoàn bay chuyên cơ. Ngoài trách nhiệm chở các lãnh tụ đi công cán, thời chiến, nó có thêm nhiệm vụ là vận tải quân sự, thuộc Trung đoàn Không quân vận tải. Sau hòa bình, đoàn bay trở thành đoàn bay chuyên cơ và dân dụng, thuộc Hãng Hàng không VN Airline.
Cách đây 2 năm, ngày 19/9/2013, tại tỉnh Quảng Trị, nhiều đại biểu cấp cao của VN và Cuba đã tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm Lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz thăm Vùng giải phóng miền Nam VN. Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Trị Lê Hữu Phúc tặng bức ảnh Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cho ông Rodrigo Manmerca Diaz, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba.
Hơn 40 năm đã qua, nhưng ký ức về chuyến bay đó vẫn in nguyên trong lòng họ và dân tộc Việt Nam. Bởi đơn giản, chuyến bay đó đã trở thành lịch sử.
(Theo CAND)