Hồi sinh hình tượng người anh hùng

Họa sĩ Võ Tấn Thành (75 tuổi) đã dành hơn nửa thế kỷ phục dựng chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng liệt sĩ. Từ những ký ức rời rạc của người thân, đồng đội, ông tái hiện hình ảnh họ bằng nghệ thuật.

W-vo tan thanh (2).jpg
Họa sĩ Võ Tấn Thành chia sẻ về công việc của mình. Ảnh: Hoàng Anh

Tôi gặp ông tại căn nhà nhỏ tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ngay khi bước vào phòng khách, tôi đã cảm nhận đây như “bảo tàng nghệ thuật” thu nhỏ. Những bức chân dung vẽ ngược trên gương, tác phẩm vẽ trong chai hay các bức tranh tái hiện hình ảnh anh hùng, liệt sĩ đều được ông Thành tạo dựng bằng cả tâm huyết.

Vừa lật cuốn sách “Sáng ngời chất ngọc anh hùng” nói về Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Đồng Nai, ông Thành vừa giới thiệu về những tác phẩm chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng phục dựng đạt độ chính xác đến 95-100%, được người thân xác nhận chân thực.

"Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một ký ức được tôi khơi gợi từ nguồn tư liệu ít ỏi hay lời miêu tả của những người từng quen biết nhân vật" - họa sĩ chia sẻ.

Đối với ông Thành, việc vẽ chân dung các anh hùng không chỉ là đam mê mà còn là cách thể hiện tình yêu nước. Điều này còn giúp những người đã khuất hiện diện lại, để người thân tìm thấy hình ảnh một thời. Với ông, đó là điều ý nghĩa nhất.

W-vo tan thanh.jpg
Ông Thành được người thân những người đã khuất gửi lời cảm ơn. Ảnh: Hoàng Anh

Từng nét vẽ, gam màu đều chứa đựng cảm xúc, khiến tác phẩm của ông có hồn, chạm đến trái tim nhiều người. Ông cũng mong muốn tranh của mình trở thành cầu nối lịch sử, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về sự hy sinh của thế hệ trước.

"Có những bức vẽ khiến người thân bật khóc khi nhìn thấy, bởi họ như được gặp lại người đã khuất sau nhiều năm xa cách. Đó là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục công việc này" - người họa sĩ chia sẻ.

Chân dung thanh niên Chơ Ro qua lời kể lại

Trong hàng trăm bức chân dung đã vẽ, tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất với họa sĩ Võ Tấn Thành có lẽ là chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Điểu Văn Cải hay còn gọi là Điểu Cải (1949-1969). Liệt sĩ Điểu Cải là người con ưu tú của dân tộc Chơ Ro tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán.

W-dieu cai.jpg
Tác phẩm chân dung liệt sĩ Điểu Cải được nhận xét giống tới 98%. Ảnh: Hoàng Anh

Điểu Cải là người chiến sĩ gan dạ, kiên cường, một lòng vì độc lập dân tộc. Tuy nhiên, suốt 45 năm sau khi ông hy sinh, người dân địa phương không có bất kỳ bức ảnh nào của ông.

Trước thực tế đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Quán đề xuất phục dựng chân dung liệt sĩ, nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống. Họa sĩ Võ Tấn Thành được giao trọng trách tái hiện hình ảnh liệt sĩ qua lời kể của nhân chứng.

"Khi nhận lời, tôi cảm thấy đây là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn. Không phải ai cũng có cơ hội vẽ chân dung một anh hùng đã trở thành biểu tượng của cả dân tộc Chơ Ro" - ông Thành bày tỏ.

Trong quá trình phác họa, ông Thành gặp nhiều khó khăn do những người thân của liệt sĩ Điểu Cải đã cao tuổi, ký ức không còn rõ ràng. Chính quyền địa phương đã tìm kiếm, kết nối đồng đội cũ và những người từng tiếp xúc với liệt sĩ để thu thập thông tin. Họa sĩ Thành cũng lặn lội khắp xã Túc Trưng, gặp từng nhân chứng để ghi chép từng chi tiết, dù là nhỏ nhất.

"Không ai nhớ trọn vẹn khuôn mặt liệt sĩ. Những nhân chứng lớn tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng dù họ chỉ nhớ một vài chi tiết cũng rất quý giá. Tôi phải tổng hợp, phân tích và vẽ phác thảo nhiều góc độ để nhận diện" - ông Thành kể.

W-dieu cai.jpg
Đây là tác phẩm phác họa chân dung qua lời kể mà ông Thành ấn tượng nhất. Ảnh: Hoàng Anh

Không có ảnh tư liệu, họa sĩ buộc phải tìm nét đặc trưng qua lời kể. Cuối cùng, chi tiết được nhiều nhân chứng nhắc đến nhất là chiếc cằm dài và chẻ cong. Từ đó, ông Thành phác thảo chân dung theo nhiều góc độ rồi vẽ trực diện để mọi người cùng nhận diện.

Sau khi hoàn thiện bản vẽ, chính quyền huyện Định Quán đã mời những người từng biết Điểu Cải đến đóng góp ý kiến. Sau đó, họa sĩ Thành cùng các nhân chứng đã chỉnh sửa suốt một tháng và cuối cùng thống nhất chọn phiên bản có độ chính xác cao nhất, đạt khoảng 98% so với hình ảnh thật lúc sinh thời.

Hiện tại, chân dung liệt sĩ Điểu Cải được trưng bày trang trọng tại phòng truyền thống huyện Định Quán và Trường THPT Điểu Cải.