Rạng sáng 28/9, bão Noru đổ bộ đất liền từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 13 (134-149 km/h). Đến trưa cùng ngày, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam Lào.

Sau khi bão tan, nước trên sông Trường Giang nối Bàn Thạch dâng, đây là điều kiện của nhiều loại cá khác nhau lên sinh sản. Tận dụng điều đó, nhiều người dân đã đến đây để 'bắt lộc' sau bão.

Có mặt từ 13h ngày 28/9, anh Hoàng Chương (34 tuổi, ngụ Tam Kỳ) đang giăng những tay lưới để đánh bắt cá.
“Tận dụng cơ hội sau bão, nước trên sông bắt đầu dâng, đây là thời điểm những loại cá như cá diếc, cá rô phi, cá rầm, cá gáy… lên sinh sản, tôi bắt đầu thả lưới để kiếm ít cá về ăn”, anh Chương nói.

Gần đó, tay lưới của anh Phi Vũ (46 tuổi, ở Tam Kỳ) vừa cất dính một con cá rô phi. Anh Vũ vui vẻ kể: “Tôi thả lưới nãy giờ được 30 phút rồi, được hơn 1kg cá, giờ tôi mang thành quả về nhà để làm bữa tối, còn lại chia cho một số anh em trong gia đình”.

Hai người bạn Thanh Dương và Văn Hoàng (đến từ Tam Kỳ) đang thu tay lưới để tìm địa điểm khác vì nước ở đây khá lớn. Anh Dương chia sẻ: “Đi như này vừa vui lại có bữa ăn cho gia đình, 2kg cá đủ loại từ cá lóc, cá diếc, cá rô phi dính lưới. Gia đình có bữa ăn, anh em lại có thêm bữa nhậu”.

Nhiều loại cá khác nhau được người dân đánh bắt, trong đó có cả cá lóc, cá diếc, rô phi.

Anh Dương vui vẻ bên thành quả của mình vừa đánh bắt được.  

Khác với mọi người, anh Văn Phong (43 tuổi, ở Núi Thành) vượt hơn 10km cùng với con trai của mình đến đây để tìm “lộc” của sông. “Đã 20 phút rồi, nhưng không biết sao cất chưa được con cá nào, bình thường những đợt sau bão như này tôi cất nhiều lắm, chắc hôm nay chưa may mắn nên tiếp tục xem thử”, anh Phong cười.

Nhóm bạn ở Tam Kỳ lại dùng cần để câu, họ đến đây từ 14h, đã hơn 30 phút nhưng cả nhóm chỉ mới câu được một con cá rô phi. 
“Cũng vui là chính thôi, hôm nay nước hơi lớn và chảy xiết nên cá khó ăn. Chúng tôi dùng nhiều mồi câu khác nhau như giun, cám, bột tổng hợp”, một thanh niên chia sẻ.