Ai sản xuất “đậu phộng Tân Tân” 10 năm qua?
Theo cáo trạng của VKSND TP. Dĩ An được đăng tải trên trang web của công ty, CTCP Tân Tân tại Dĩ An, Bình Dương được thành lập năm 2007, với tổng 8 triệu cổ phần, gồm 3 cổ đông là ông Trần Quốc Tân (SN 1963) góp 64 tỷ đồng, tương đương 80% cổ phần; bà Châu Ngọc Phụng (SN 1971, vợ ông Tân, 10%) và ông Trần Quốc Tuấn (SN1968, em ông Tân, 10%).
CTCP Tân Tân được Sở KH-ĐT Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào cuối năm 2007, thay đổi lần hai năm 2008 và lần ba vào tháng 8/2018.
Theo kết luận điều tra, CTCP Tân Tân ngừng hoạt động từ năm 2013 do kinh doanh thua lỗ.
Vậy vì sao trên thị trường vẫn xuất hiện sản phẩm đậu phộng Tân Tân dù CTCP Tân Tân ngừng hoạt động?
Trả lời PV.VietNamNet chiều ngày 5/8, ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tân Tân cho biết: Sản phẩm đậu phộng Tân Tân xuất hiện trên thị trường suốt chục năm qua không phải do CTCP Tân Tân sản xuất. Đó là sản phẩm do Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất Trồng trọt Tân Tân sản xuất.
Còn CTCP Tân Tân ngừng sản xuất suốt nhiều năm nay, từ khi xảy ra chuyện tranh chấp với Ban lãnh đạo cũ của CTCP Tân Tân do ông Trần Quốc Tân đứng đầu.
Điều đáng nói, Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất Trồng trọt Tân Tân do ông Trần Quốc Gia Phước (con trai của ông Trần Quốc Tân) làm chủ sở hữu.
Bán cổ phần cho chủ mới nhưng chủ cũ không bàn giao tài sản, quyền sở hữu tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp thoi thóp trong thua lỗ, dừng sản xuất. Nhưng thương hiệu sản phẩm Tân Tân lại vẫn được công ty do con trai chủ cũ làm chủ, sử dụng, tiếp tục sản xuất kinh doanh, là chuyện quá hy hữu.
Chưa kể, ông Trần Quốc Tân, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Tân Tân còn cho công ty của con trai thuê lại nhà xưởng và kho trên diện tích của chính CTCP Tân Tân với giá ưu đãi.
Điều này cũng được thể hiện tại Cáo trạng của VKSND TP Dĩ An. Theo đó, năm 2015, ông Trần Quốc Tân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tân Tân - đứng ra cho Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất Trồng trọt Tân Tân (địa chỉ Quận 8, TP.HCM) thuê lại nhà xưởng và kho trên diện tích của CTCP Tân Tân.
Công ty này thuê lại nhà xưởng và kho của CTCP Tân Tân từ tháng 7/2015 tới năm 2030, giá thuê 100 triệu đồng/tháng.
Vì thế, đại diện CTCP Tân Tân cho biết công ty này phải gánh chịu biết bao thiệt hại khi mua cổ phần của CTCP Tân Tân từ ông Trần Quốc Tân.
Theo báo cáo của HĐQT Tân Tân tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 vừa qua, CTCP Tân Tân bắt đầu rơi vào khó khăn từ năm 2011, trong bối cảnh công ty thua lỗ, ngân hàng đã siết nợ phần lớn tài sản.
Vào giữa năm 2011, ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1962) gần 3,67 triệu cổ phần (tương đương hơn 45,8% cổ phần) và đã cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho nữ cổ đông này, nhưng không ghi vào sổ cổ đông.
Bà Thanh sau đó đã khởi kiện và tới năm 2013 được tòa án công nhận. Bà Thanh được ghi tên vào sổ cổ đông và được đăng ký cổ đông với cơ quan chức năng. Nhưng trong các năm từ 2012, Tân Tân đã không tổ chức họp bầu HĐQT mới và bị cáo buộc thua lỗ, nợ rất nhiều tiền, lớn hơn nhiều vốn chủ sở hữu và báo cáo tài chính không có kiểm toán...
Cuối năm 2015, bà Thanh tiếp tục khởi kiện yêu cầu triệu tập HĐQT, yêu cầu ông Tân bàn giao sổ sách, hợp đồng, chứng từ kế toán để kiểm toán bắt buộc. Tòa án sau đó phán quyết buộc HĐQT phải triệu tập họp bất thường đại hội cổ đông để bầu HĐQT mới... Tuy nhiên, HĐQT cũ không chấp hành bản án.
Tới ngày 23/4/2024, bà Thanh triệu tập được cuộc họp ĐHCĐ bầu HĐQT mới của Tân Tân.
Theo báo cáo của HĐQT Tân Tân tại ĐHCĐ thường niên 2024, tại cuộc họp HĐQT ngày 28/5/2022, ông Lê Hồng Phương được bầu làm chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Trần Quốc Tân bị miễn nhiệm chức giám đốc - người đại diện theo pháp luật.
Ngày 11/1/2024, CTCP Tân Tân được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.
Còn ông Trần Quốc Tân bị khởi tố tội “Không chấp hành án” và “Trốn thuế” xảy ra tại CTCP Tân Tân.
Theo báo cáo của HĐQT Tân Tân tại ĐHCĐ năm 2024, tới ngày 31/1/2024, CTCP Tân Tân còn nợ thuế gần 61,8 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội tới tháng 3/2024 là gần 6,3 tỷ đồng. Tân Tân còn nợ các chủ nợ theo hơn 50 bản án đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có nhiều ngân hàng.
Khai sai thuế
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2015 tới tháng 11/2022, CTCP Tân Tân thu tiền thuê lại nhà xưởng và kho được 8,6 tỷ đồng, nhưng không xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế đối với doanh thu của doanh nghiệp.
Cũng theo kết luận điều tra, năm 2015, CTCP Tân Tân kinh doanh thua lỗ dẫn đến nợ thuế nên đã bị cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn của công ty không còn giá trị sử dụng từ ngày 30/1/2015.
Sau đó, Cục thuế Dĩ An cho CTCP Tân Tân sử dụng hóa đơn bán lẻ nộp 30% thuế trên doanh thu bán hàng theo danh sách đề nghị của công ty này. Nhưng CTCP Tân Tân không thực hiện việc mua bán hóa đơn lẻ.
Năm 2017, Cục Thuế Bình Dương đề nghị CTCP Tân Tân xuất hóa đơn và nộp thông tin khách hàng, số lượng, giá trị hàng hóa sẽ bán; đồng thời, phải nộp 18% trên doanh thu theo quy định. Nhưng CTCP Tân Tân cũng không thực hiện.
Do đó, hành vi cho thuê nhà, xưởng và kho của CTCP Tân Tân từ tháng 7/2015 đến tháng 11/2022 chỉ lập phiếu thu không xuất hóa đơn là hành vi bán hàng không xuất hóa đơn.
Tại kết luận giám định thuế ngày 26/8/2022 của Cục thuế tỉnh Bình Dương, kết luận số thuế phải nộp đối với việc kinh doanh cho thuê nhà xưởng của CTCP Tân Tân từ 7/2015 đến tháng 11/2020 là hơn 400,6 triệu đồng thuế giá trị gia tăng và gần 901 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây được xem là hành vi trốn thuế.
Còn từ tháng 12/2020 tới tháng 11/2022, CTCP Tân Tân phải nộp 196 triệu tiền thuế GTGT.
Đến ngày 22/12/2022, CTCP Tân Tân đã nộp đủ số thuế đến tháng 12/2022 nên Cơ quan điều tra “có thể xem xét là hành vi khai sai”.
Việc ông Trần Quốc Tân cho thuê nhà, xưởng và kho thuộc CTCP Tân Tân do một mình ông Tân trực tiếp thực hiện. Các thành viên HĐQT là ông Trần Quốc Tuấn và bà Châu Ngọc Phụng không được chia cổ phần từ doanh thu cho thuê có được. Do vậy, cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự đối với ông Tuấn và bà Phụng về hành vi “trốn thuế”.