Sáng 17/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp chuyên đề về công tác Ngoại giao văn hoá và Thông tin đối ngoại với chủ đề “Ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số”.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại cùng với các trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, công tác bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao mà còn của nhiều bộ, ngành và Trung ương đến địa phương.

1hai 0936.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên chuyên đề.

Trong bối cảnh có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự phát triển của truyền thông, sự cạnh tranh "sức mạnh mềm" của các nước thì ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại càng đóng vai trò quan trọng.

Từ năm 2021 đến nay, Bộ Ngoại giao đã triển khai đồng bộ công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường quảng bá, tuyên truyền sâu rộng về Việt Nam năng động, đang phát triển mạnh mẽ, có nền văn hóa đặc sắc.

"Chúng ta đã thành công khi cho thế giới thấy sự đóng góp thiết thực của Việt Nam tại diễn đàn đa phương nhằm giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu; giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với hơn 60 danh hiệu UNESCO trao cho Việt Nam, trong đó có hơn 10 danh hiệu liên tục được công nhận trong hơn 2 năm qua đã tạo được thương hiệu, sức hút cho đất nước, địa phương và bảo vệ giá trị văn hóa của dân tộc.

Bộ Ngoại giao đã tích cực đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để truyền tải rộng rãi các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế khi nội dung, hình thức chưa thực sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ số chưa cao, nguồn lực còn hạn hẹp...

Với các nước, ngoại giao công chúng đã làm từ lâu, với Việt Nam đây là một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng quan hệ hợp tác hòa bình, hữu nghị, góp phần giải quyết vấn đề toàn cầu.

Phát biểu tại phiên chuyên đề, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã phân tích thực tiễn và xu hướng truyền thông số hiện nay và gợi mở cách thức triển khai công tác ngoại giao công chúng hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc khơi dậy, phát huy nguồn lực trong dân, nhất là các trang tài khoản cá nhân và kênh truyền thông có lượng người theo dõi lớn.

nguyen thanh lam 1105.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu.

Báo chí đã không còn giữ vai trò độc tôn trong cung cấp thông tin, thói quen tiêu dùng "sản phẩm thông tin" của người tiêu dùng thế hệ mới trên toàn thế giới đã thay đổi. Thứ trưởng chia sẻ, báo chí đối ngoại cũng chịu khó khăn chung của báo chí trong nước khi 70% quảng cáo của báo chí đã chuyển lên mạng xã hội. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT đặt vấn đề làm thế nào để các cơ quan báo chí được nhận diện ở nước ngoài rõ ràng và thực sự trở thành "cửa sổ mở Việt Nam đi ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam".

Để khơi dậy nguồn lực từ xã hội phục vụ cho thông tin đối ngoại, Thứ trưởng gợi ý, Việt Nam hiện có khoảng 20.000 tài khoản cá nhân và kênh truyền thông sở hữu từ 10.000 đến hàng triệu lượt người theo dõi trên các mạng xã hội. Đó là các KOL và gần đây nhất là KOC.

Với việc tận dụng sức ảnh hưởng của KOL và KOC, bên cạnh hàng loạt biện pháp khác, chắc chắn công tác truyền thông đối ngoại có thể được triển khai đạt hiệu quả sâu rộng, mạnh mẽ hơn. Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Ngoại giao huy động lực lượng có ảnh hưởng trên mạng để phục vụ thông tin đối ngoại.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nêu kinh nghiệm về việc xây dựng cổng thông tin đối ngoại quốc gia với tên miền vietnam.vn, hiện cổng này đã kết nối với cổng thông tin điện tử của 63 tỉnh, thành và kết nối với một số kênh của KOL đóng góp tốt quảng bá hình ảnh đất nước. Theo Thứ trưởng, các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước nếu làm tốt thì sẽ là một kênh thông tin đối ngoại hiệu quả.

Dưới góc độ người đứng đầu một cơ quan truyền thông, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đưa ra một đóng góp quan trọng trong công tác ngoại giao công chúng. Đó là cần xác định rõ đối tượng công chúng của truyền thông đối ngoại, từ đó có hướng điều chỉnh cho phù hợp.

le quang minh 1225.jpg
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh.

Cơ quan truyền thông Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực và đã làm ra sản phẩm chất lượng, song cần nâng cao nền tảng dành cho truyền thông đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng công chúng dễ dàng tiếp cận với thông tin.

Ông Lê Quang Minh dẫn chứng, khi ông tìm trên thanh công cụ tìm kiếm Google thì có rất ít thông tin chính thống về sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam bằng tiếng Anh từ các cơ quan báo chí trong nước mà chủ yếu là từ các trang báo nước ngoài, khiến việc quảng bá sự kiện này ra thế giới bị hạn chế.  

Tại phiên họp, Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Canada, Trung Quốc, Phần Lan, phái đoàn tại UNESCO... đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về cách triển khai ngoại giao công chúng ở nước sở tại như khó khăn, thách thức đang đặt ra cho các cơ quan đại diện.