Theo Ban tổ chức, Lễ hội Lam Kinh 2022 nhằm kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (2012-2022).

Toàn cảnh Lễ hội Lam Kinh

Lễ hội nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước. 

Đồng thời giới thiệu, quảng bá nét đẹp về vùng đất, con người xứ Thanh, giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, du lịch của tỉnh Thanh Hóa tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trong 3 ngày, từ 16/9 đến 18/9 (tức ngày 21, 22, 23/8 âm lịch). 

Mở đầu là phần lễ, nghi thức rước kiệu truyền thống
Các nghệ sĩnh đánh trống xuyên suốt phần nghi lễ
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế

Mở đầu là phần lễ, nghi thức rước kiệu truyền thống. Tiếp đó là lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế. Cuối cùng là đọc chúc văn tưởng nhớ công lao của Vua Lê Thái Tổ và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn”, gồm 3 chương, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ, nhân dân đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh. 

Ngoài ra, các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ sẽ trình diễn trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng huyện Ngọc Lặc, múa bát dân tộc Dao nhằm thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh.

Tái hiện lại hình ảnh anh hùng Lê Lợi
Nghệ sĩ sẽ trình diễn trò Xuân Phả
Hàng nghìn người dân đến dự Lễ hội Lam Kinh

Tháng 4/2022 Chính điện Lam Kinh (thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã chính thức mở cửa đón khách du lịch tham quan, chiêm bái sau 12 năm phục hồi, tôn tạo.

Trước đó, Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo từ năm 2010, trên diện tích hơn 1.600m2. Chính điện hình chữ Công, gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê).

Theo lãnh đạo của Ban Quản lý di tích, Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim hơn 2.000m3.

Chính điện dát vàng được mở cửa đón du khách

Đến nay có khoảng 21 hạng mục công trình gồm: Chính điện Lam Kinh và các lăng mộ, nhà bia, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên... đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Đáng chú ý, bên trong chính điện, các đồ thờ, vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng với giá trị hơn 40 tỉ đồng.