Kết quả này đánh dấu bước tiến tiếp theo của huyện trong thực hiện trụ cột phát triển xã hội số sau khi xây dựng thành công và đưa mô hình chợ 4.0 vào hoạt động. Qua đó mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS).
Người dân quét mã thanh toán trực tuyến khi mua sắm hàng hóa tại thị trấn Liễu Đề. |
Với mục tiêu mở rộng hình thức thanh toán số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại, Ban chỉ đạo CĐS huyện Nghĩa Hưng đã phát động chương trình mỗi xã, thị trấn lựa chọn ít nhất 1 tuyến đường trục trung tâm để xây dựng mô hình tuyến đường 4.0 - tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực quan và qua các Trang thông tin điện tử để nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thức thực hiện CĐS, phát triển kinh tế số tiến tới thực hiện xã hội số, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt.
Phối hợp với 2 doanh nghiệp viễn thông VNPT và Viettel hỗ trợ các hộ kinh doanh tạo mã QR Code tại cửa hàng, điểm kinh doanh phục vụ khách hàng thanh toán thông qua chuyển khoản bằng điện thoại di động.
Các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra các chính sách ưu đãi tín dụng để hỗ trợ chủ cơ sở kinh doanh và khách hàng khi thực hiện thanh toán số, góp phần xây dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân khu vực nông thôn.
Huyện cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, có cơ chế giải quyết tranh chấp nảy sinh trong quá trình sử dụng nền tảng số thanh toán không dùng tiền mặt.
Phối hợp với các Tổ công nghệ số cộng đồng ở từng thôn, xóm, tổ dân phố “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân những kỹ năng thao tác khi thanh toán không dùng tiền mặt, cảnh báo những hành vi lừa đảo và biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng các nền tảng số để thanh toán trực tuyến.
Đến nay, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện, mô hình tuyến đường 4.0 - thanh toán không sử dụng tiền mặt ở Nghĩa Hưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, thương mại của địa phương.
Ở các thị trấn: Liễu Đề, Quỹ Nhất, Rạng Đông đã phát triển 1 tuyến chính và nhiều tuyến nhánh áp dụng phương thức thanh toán trực tuyến.
Tại những tuyến phố này, người dân trải nghiệm hoạt động mua sắm hàng hóa rồi thanh toán không dùng tiền mặt ngay tại các gian hàng, siêu thị mini, các cơ sở cung ứng dịch vụ viễn thông... Tất cả các hộ kinh doanh trên các tuyến đường được lựa chọn tham gia mô hình đã trang bị mã QR-Code để phục vụ người tiêu dùng thanh toán trực tuyến. Nhiều hàng quán còn khuyến khích khách hàng thanh toán không tiền mặt bằng nhiều hình thức khuyến mãi như quét mã QR sẽ được giảm giá 10%.
Anh Trần Văn Nam, quản lý một cửa hàng tiện ích trên đường 3-2 thị trấn Liễu Đề cho biết: “Tôi rất ủng hộ chương trình xây dựng mô hình tuyến đường 4.0 - thanh toán không sử dụng tiền mặt. Thực tế từ lâu, các cửa hàng đã chủ động liên kết với đối tác triển khai nhiều loại hình thanh toán không tiền mặt để phục vụ các khách hàng có nhu cầu. Do vậy, khi triển khai đồng loạt trên toàn huyện với sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã tạo được sự tin tưởng, ủng hộ cao của khách hàng. Hiện tại hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của các đơn vị viễn thông cung ứng cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đa số du khách mua sắm tại cửa hàng… tạo nhiều thuận lợi trong mua bán so với trước đây”.
Theo ghi nhận của các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán số, đến nay giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt trên các tuyến đường 4.0 của các xã, thị trấn đều phát sinh với mức chi phí thấp nhất từ vài nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. Ngay tháng đầu tiên triển khai tuyến đường 4.0 - thanh toán không sử dụng tiền mặt, thị trấn Liễu Đề có mức phát sinh thanh toán trực tuyến trên 250 triệu đồng, cao nhất huyện; các xã, thị trấn còn lại… đều có mức thanh toán dao động trong khoảng từ 20 đến 100 triệu đồng.
Việc triển khai mô hình tuyến đường 4.0 - thanh toán không sử dụng tiền mặt ở huyện Nghĩa Hưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, giúp người dân tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai mô hình tuyến đường 4.0 - thanh toán không sử dụng tiền mặt hiện đang gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định như những hạn chế của hạ tầng số dẫn đến tình trạng “nghẽn mạng” khiến nhiều giao dịch báo lỗi không thực hiện được, gây phiền hà cho người dân trong quá trình thanh toán.
Thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng mô hình tuyến đường 4.0 - thanh toán không sử dụng tiền mặt, cùng với công tác tuyên truyền, huyện sẽ tăng cường đầu tư, phát triển, nâng cấp nền tảng hạ tầng số, bảo đảm tính tiện ích, thuận lợi trong thực hiện các hình thức thanh toán không tiền mặt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, du khách, người tiêu dùng khi mua sắm, giao dịch thanh toán; góp phần cụ thể hóa thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Hương (Báo Nam Định)