Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045." Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Tưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là phương thức, động lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thực tế đã chỉ ra rằng đại đa số các nước trên thế giới muốn tiến lên trở thành một nước công nghiệp, nước phát triển, đạt được mức thu nhập cao đều tiến hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, muốn thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra, tất yếu vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thành phố mới Bình Dương

Thứ hai, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong thời gian qua, đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng rẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề này.

Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo."

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đã có thế và lực mới, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều vấn đề mới, có tính chất phức tạp, từ đó đặt ra những yêu cầu thực tiễn cần phải ban hành một Nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, thực tiễn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần có chủ trương của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ như tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững.

Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỷ trọng còn nhỏ, mối liên kết với các ngành sản xuất còn yếu. Đô thị hóa chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, con người, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập…

"Nghị quyết được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Văn Công, Ngọc Chính, Đàm An