Nhạc kịch là sự kết hợp giữa ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Loại hình nghệ thuật này xuất hiện lần đầu tiên ở Ý vào khoảng thế kỷ 16 - 17, sau đó mở rộng ra nhiều nước khác. Các sân khấu nổi tiếng thế giới như Broadway (Mỹ), West End (Anh)… đã từng có nhiều tác phẩm nhạc kịch ấn tượng và chiếm được tình yêu của khán giả như The Black Crood (1866), The White Fawn (1868), Le Barbe Bleue (1868), Evangeline (1874).
Nhạc kịch thuần Việt nở rộ
Tại Việt Nam, vở nhạc kịch đầu tiên là tác phẩm Cô Sao (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) được dàn dựng theo hình thức và quy mô kinh điển thế giới, công diễn lần đầu năm 1965, hơn 150 nhạc công, diễn viên tham gia.
Năm 2011, vở Lá đỏ (Đỗ Hồng Quân), tác phẩm đặt hàng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao vì sau 40 năm mới có nhạc kịch được sáng tác, dàn dựng bởi các tài năng nghệ thuật Việt Nam.
Những năm gần đây, hàng loạt dự án nhạc kịch ra đời, thu hút sự chú ý, hưởng ứng của khán giả như: Dự án HOPE của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh với ba vở nhạc kịch Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối, Mộng ước không xa vời, 35 đêm diễn liên tục; Những người khốn khổ được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng dựa trên tác phẩm cùng tên của đại văn hào Pháp V.Hugo đã làm nên “hiện tượng”, nhiều đêm diễn “cháy vé” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bên cạnh dàn dựng những vở có kịch bản nước ngoài, nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước mạnh dạn thử sức với nhạc kịch thuần Việt như: Dế Mèn phiêu lưu ký (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM); Tiên Nga (Sân khấu kịch Idecaf), Hà Nội xưa và nay, Tôi đọc báo sáng nay (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), Trại hoa vàng, Sóng, Bữa tiệc của Elsa (Nhà hát Tuổi trẻ), Người cầm lái (Nhà hát Công an Nhân dân). Mới đây nhất, Đoàn Ca múa Hải Phòng công diễn Bỉ vỏ, vở nhạc kịch với đề tài về lịch sử, nhận được hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả và các nhà chuyên môn.
Việt Nam hoá, quốc tế hoá nhạc kịch
Theo PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc kịch hay ở chỗ có âm nhạc - phương tiện truyền tải tình cảm đến khán giả một cách tốt nhất.
"Những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta đã có nhạc kịch thuần Việt, làm theo khuôn mẫu của quốc tế, mang tính kinh điển, hàn lâm, đó là vở Cô Sao. Dần dần nhạc kịch được biến thể, thành phong trào ca kịch, trong đó có hát, múa, nói, diễn xuất giao lưu. Cấu trúc nhẹ nhàng hơn về mặt diễn viên, lực lượng, biểu diễn, dàn nhạc. Đến nay chúng ta vừa Việt Nam hoá, vừa quốc tế hoá nhạc kịch, trở thành một ca kịch dễ tiếp cận với khán giả hơn", ông Quân khẳng định.
Ông Quân đánh giá cao sự sáng tạo của nghệ sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ đang đi trên con đường kế thừa và phát triển nhạc kịch Việt Nam.
"Chúng tôi hoan nghênh khai thác những đề tài lịch sử, cách mạng nhưng mặt khác cần có ngôn ngữ âm nhạc, lực lượng nghệ thuật để đáp ứng và truyền tải được hết các ý tưởng đó. Như thế sẽ cân bằng sáng tạo nghệ thuật và giá trị lịch sử", ông Quân bày tỏ.
Nhạc sĩ Lưu Quang Minh đánh giá, nhạc kịch là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. "So với những con phố sầm uất khác của New York (Mỹ), Broadway có vẻ không nổi bật. Nhưng khi tiến sâu vào bên trong con phố, những rạp hát hoành tráng, lộng lẫy với không gian rộng lớn, kiến trúc ấn tượng và âm thanh, ánh sáng sẽ khiến du khách ngây ngất. Không phải ngẫu nhiên người Mỹ gọi đây là “miền đất hứa của nhạc kịch”, bởi một khi đã được thưởng thức nó ở đây, du khách sẽ vĩnh viễn không thể quên. Hay như Hàn Quốc cũng có những vở nhạc kịch diễn thường xuyên, định vị thương hiệu cứ tới địa điểm đó phải xem. Nếu Việt Nam có thể xây dựng được những chương trình mang dấu ấn, bản sắc riêng của địa phương thì hoàn toàn có thể thu hút khách du lịch. Đây chính là công nghiệp văn hoá".
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho rằng, ngoài nhạc kịch truyền thống, chúng ta có thể khám phá thêm các thể loại mới như nhạc kịch hiện đại, nhạc kịch dựa trên cốt truyện văn học với các truyện cổ, điển tích, điển cố và cả những sáng tác mới. Sự đa dạng này đã tạo nên một luồng gió mới cho sân khấu, thu hút đối tượng khán giả rộng hơn và mang lại trải nghiệm mới mẻ cho công chúng thưởng thức.
Đặc biệt, việc mở rộng hợp tác quốc tế thông qua kết nối với các nhà sản xuất, đạo diễn, và nghệ sĩ của các nhà hát cũng tạo nên vở diễn ấn tượng, đem lại góc nhìn mới, đa chiều về sân khấu nhạc kịch nói chung, kịch hát hay chương trình biểu diễn âm nhạc của Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, để nhạc kịch Việt Nam phát triển đúng tầm còn cần thời gian, có nhiều sáng tạo hơn nữa để dẫn dắt công chúng tiệm cận gần hơn với nhạc kịch kinh điển thế giới, để nó có thể phát triển bền vững.
Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, diễn viên nhạc kịch cần đáp ứng “ba trong một”: biết ca hát, diễn xuất và vũ đạo. Trong khi đó, rất ít diễn viên Việt Nam hội đủ những yêu cầu này. Để tìm được đội ngũ vài chục người tham gia một vở nhạc kịch là cả hành trình gian nan.
Thêm vào đó, thiếu vắng đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên kịch trong nước thật sự hiểu về nhạc kịch là rào cản phát triển loại hình sân khấu này. Chưa kể, nhạc kịch luôn đòi hỏi sự khắt khe về âm nhạc, phục trang, ánh sáng, đầu tư kinh phí... Do đó, đây vẫn đang là lãnh địa dành cho những người thật sự muốn dấn thân khai mở.