Đào Tố Loan hát 'Quê tôi giải phóng':
Đào Tố Loan là một trong những giọng ca nổi bật trong đêm công diễn thứ 2 của chương trình nghệ thuật đặc biệt Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 3/5.
Ở phần đầu chương trình, Đào Tố Loan xuất hiện trên sân khấu trong bộ váy thiết kế đặc biệt. Với giọng hát được khổ luyện dày công, nữ ca sĩ thể hiện Quê tôi giải phóng của nhạc sĩ Văn Chung rất ấn tượng cùng Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Đào Tố Loan với 'Du kích sông Thao':
Trong phần 2 chương trình, Đào Tố Loan trở lại sân khấu trong tà áo dài tím và một lần nữa khiến khán giả gai người khi cất giọng trong ca khúc kinh điển Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Không chỉ thể hiện xuất sắc những vở opera nổi tiếng của thế giới, Đào Tố Loan còn chinh phục người nghe qua những tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam.
Đã nhiều lần nghe Đào Tố Loan biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng nhưng với tầm vóc của chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ này, giọng opera số 1 Việt Nam mang đến cho người nghe một trải nghiệm âm nhạc đặc biệt chưa từng có trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm.
Sau chương trình Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên, diễn viên Chiều Xuân đã chúc mừng thành công của các nghệ sĩ tham gia biểu diễn, đặc biệt là Đào Tố Loan khi cô thể hiện ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Diễn viên Chiều Xuân cùng chồng là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận là những khán giả đặc biệt của chương trình nghệ thuật đặc biệt này.
Bên cạnh Đào Tố Loan, Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên còn gây ấn tượng với ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn qua sự thể hiện ấn tượng của ca sĩ Phạm Thu Hà. Kết thúc tiết mục, Phạm Thu Hà gây xúc động khi nhắm bắt và chắp tay niệm trên sân khấu như một sự tưởng nhớ tới nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Cũng trong đêm nhạc, khán giả được thưởng thức tiếng đàn của nghệ sĩ piano tài năng Bích Trà - con gái NSND Trà Giang với tác phẩm Fantaisie cho piano và dàn nhạc trên chủ đề bài hát Mừng chiến thắng Tây Bắc của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng - thân sinh của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn.
Trong chương trình khán giả còn được thưởng thức tác phẩm Hò kéo pháo nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Vân được phối khí mới lạ và mang đầy hơi thở đương đại. Hò kéo pháo qua bàn tay của nhạc sĩ Trọng Đài phối cho dàn hợp xướng không nhạc đệm Acapella vừa quen vừa lạ đã chinh phục hoàn toàn những người nghe khó tính nhất.
Điểm nhấn của Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên và cũng là phần được khán giả chờ đợi nhất chính là Giao hưởng hợp xướng Điện Biên Phủ gồm 4 chương của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đây là bản giao hưởng hợp xướng vô cùng đồ sộ và hoành tráng của cố nhạc sĩ - cũng là cha đẻ của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Tiết mục được trình diễn cuối cùng và kết thúc trong sự vỡ òa cảm xúc của khán giả với niềm tự hào dân tộc sâu sắc cảm nhận qua tác phẩm âm nhạc quy mô của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Cùng với chương trình nghệ thuật Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên, tại Nhà hát Hồ Gươm, BTC triển lãm các tác phẩm của cố họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân. Đây là các tác phẩm được ông vẽ trong những tháng ngày cùng các họa sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chương trình Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên có sự tham gia của gần 300 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, trình diễn các các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc viết về Điện Biên Phủ nổi tiếng nhất dưới bàn tay dàn dựng và chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi trên nền kịch bản ấn tượng do Tiến sĩ Lê Y Linh - con gái nhạc sĩ Hoàng Vân - viết, đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn để lại trong tâm khảm các khán giả may mắn được thưởng thức.
Đây có lẽ là một trong những chương trình nghệ thuật ấn tượng, ý nghĩa kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Bài, clip: Quỳnh An
Ảnh: BTC