Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có  54 dân tộc với 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Hiện cả nước có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Ngoài ra, còn có khoảng 140 tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân với khoảng 1 triệu tín đồ.

W-nghile.png
Các tín đồ Hồi giáo thực hành nghi lễ

Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm với quy mô lớn và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi thư chúc mừng, đi thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo như: Lễ Phật đản của Phật giáo; lễ Noel của Công giáo và đạo Tin lành; lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, phật giáo Hoà hảo; tháng ăn chay Ramadan của Islam giáo…

Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh. Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18-11-2016. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhà nước luôn tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức tôn giáo tăng cường củng cố tổ chức, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo cho các chức sắc được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện phù hợp với Hiến chương, Điều lệ của các tôn giáo và quy định của pháp luật. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo được phát triển và mở rộng như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Nhà nước tạo điều kiện để Giáo hội xây dựng 4 học viện Phật giáo tại 3 miền đất nước: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với trên 1.000 tăng ni sinh; 8 trường Cao đẳng Phật học với tổng số trên 700 tăng ni sinh theo học; 31 trường Trung cấp Phật học với trên 3.000 tăng ni sinh và 2.500 chư tăng Khmer theo học tại các lớp sơ cấp Phật học ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang.

Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử hàng trăm tăng ni sinh đi du học tại các nước Ấn Độ, Nhật Bản, SriLanka, Trung Quốc, Đài Loan và đã đào tạo được hàng trăm tăng ni có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ Phật học. Giáo hội Công giáo có 7 đại chủng viện với trên 1.000 chủng sinh, hàng năm được tăng số lượng và số lần chiêu sinh mỗi khoá. Đạo Tin lành có Viện thánh kinh thần học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo và bồi dưỡng cho hàng trăm mục sư truyền đạo, chú trọng bồi dưỡng giáo lý cho các mục sư, nhà truyền đạo là người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã ra mắt cuốn “Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” đã công khai cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo sách “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”: Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Theo đó, các hoạt động tôn giáo như đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, quan hệ quốc tế… của cá nhân, tổ chức tôn giáo diễn ra thuận lợi theo quy định của pháp luật. Các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua diễn ra theo xu hướng tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

Qua đó, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Với chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đại đa số các chức sắc, tín đồ tôn giáo yên tâm thực hành việc đạo, việc đời với đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo”.

Trên tinh thần đối thoại cởi mở, hợp tác song phương, đa phương có hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế về lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu ngày càng bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Hải Vân