Hành Thiện là ngôi làng thuộc phủ Xuân Trường, nay thuộc xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Làng vốn có tên gọi là “Hành Cung Trang” được thành lập vào khoảng năm 1500 và đến năm 1823 - thời Vua Minh Mạng (1791-1841), làng được đổi tên thành “Hành Thiện” với ý nghĩa đây là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện. Nơi đây nức tiếng cả nước là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt" với nhiều nét đẹp kiến trúc, văn hóa.

Từ xưa dân gian đã truyền tụng câu ca “Đông (hoặc Bắc) Cổ Am - Nam Hành Thiện”. Xứ Đông (Bắc) có làng Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vùng Sơn Nam hạ - bao gồm Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định ngày nay - có làng Hành Thiện. Đó là hai làng nổi tiếng vì có nhiều người đỗ đạt.

Nhìn từ trên cao, làng Hành Thiện như một con cá chép, đầu hướng nam về sông Ninh Cơ, đuôi quẫy hướng bắc có sông Hồng đổ về biển lớn. Xung quanh làng là một con sông nhỏ thông ra sông Ninh Cơ. Mắt cá chính là ngôi giếng cổ bên cạnh chợ Hành Thiện, gần miếu Tam Giáp được kè bằng đá xanh. Những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá. Phần đuôi cá là nơi tọa lạc của hai ngôi chùa: Thần Quang tự và Đĩnh Lan tự. Chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo Hành Thiện thờ Đức Thánh Tổ Thiền sư Không Lộ - vị Thánh bảo hộ của dân làng. Chùa Đĩnh Lan gắn liền với sự tích về một bức tượng Mẫu trôi dạt vào làng, được trẻ mục đồng hương khói và phù hộ cho những người lính ra trận, từ đó nhân dân lập chùa thờ phụng.

Tọa lạc tại nơi gặp gỡ của ba dòng sông: Hồng, Thái Bình và Ninh Cơ, chùa Keo Hành Thiện là ngôi chùa do Thiền sư Dương Không Lộ khởi xây từ năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với nét kiến trúc độc đáo hơn 400 năm tuổi. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, nước trong xanh. Không gian chùa là cả một khối kiến trúc cổ đồ sộ, trầm mặc với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau, là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội năm gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7,5m với dáng thanh thoát, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn.

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ từ thế kỷ 17 thời Hậu Lê rất giá trị. Đó là những án thư, tượng pháp, sập thờ, nhiều chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Hàng năm, tại chùa có hai lần mở hội. Đó là hội xuân vào dịp Tết Nguyên đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13, 14, 15 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh của Thánh tổ Không Lộ. Trong thời gian diễn ra lễ hội, dân làng tổ chức dâng hương, cầu cúng, tụng kinh, múa rồng, đua thuyền trên sông Hồng cùng với các trò chơi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác. Tháng 4-2017, chùa Keo đã được đón nhận bằng công nhận của Chính phủ vinh danh là Di tích quốc gia đặc biệt, góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa cổ cũng như các giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện làng vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà đã được công nhận là di tích cổ, có giá trị. Nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ trải qua thời gian đã bị xuống cấp, sụp đổ nay được khôi phục lại, trong đó có chùa Keo nổi tiếng. Những nét đẹp truyền thống đó được người dân Hành Thiện nâng niu, gìn giữ và phát huy để tiếp tục phát triển.

Phạm Trần Giao Linh, Phan Chí Hiếu, Nguyễn Hoàng Hà