Nhóm người băng ra cao tốc, đùa giỡn, nguy hiểm rình rập. Video: Camera an ninh
Cắt rào cao tốc, 'vô tư' ném đá vào xe đang lưu thông
Anh Võ Đăng Khải, quê Nha Trang, lái ô tô 7 chỗ chạy trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chiều 26/5. Khi qua huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, đàn bò bất ngờ băng qua đường, anh Khải phải thắng gấp.
“Mọi người trong xe cũng bị giật mình. May lúc đó tôi kịp phản xạ, nếu không xe dễ bị chao đảo, lao vào đàn bò hoặc dải phân cách”, anh Khải bức xúc.
Theo anh Khải, các xe chạy trên cao tốc thường đi với tốc độ cao. Với trường hợp đàn bò xuất hiện vào ban ngày, tài xế có thể phản ứng kịp, nhưng ban đêm tầm nhìn hạn chế, rất dễ xảy ra tai nạn. Vì thế, anh Khải mong các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra, tuyên truyền và có chế tài xử phạt với những trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, được đưa vào hoạt động hồi cuối tháng 4/2024. Gần tháng qua, trên tuyến này ghi nhận nhiều người dân tháo rào kẽm gai, chăn thả gia súc, tụ tập ném đá vào ô tô chạy trên cao tốc, gây nguy hiểm cho tài xế. Một số trường hợp khác còn đi xe máy vào cao tốc.
Gần nhất, hôm 22-23/5, tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), một số người đã tụ tập leo rào vào cao tốc đùa giỡn, ném đá vào xe đang chạy. Số khác còn tháo rào kẽm gai, chăn thả trâu bò và băng ngang qua cao tốc.
Tình trạng cắt rào, thả gia súc, ném đá vào ô tô từng xảy ra ở một số cao tốc, khiến nhiều tài xế, người dân bức xúc, lo lắng.
Là người thường xuyên lái xe đường dài, anh Lê Thái Bình (ngụ tại TP Nha Trang) cho rằng, cơ quan chức năng ngoài việc tuyên truyền, sau đó phải có chế tài thật nặng đối với trường hợp vi phạm.
Theo anh Bình, việc ném đá vào ô tô đang chạy trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo rất nguy hiểm, vì các xe chạy nhanh, dễ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Qua hình ảnh và video, bước đầu có thể đó là sự tinh nghịch của những đứa trẻ, song đó là "trò đùa ác ý, gây nguy hiểm chết người", nên cần phải xử lý nghiêm. Chưa hết, trong tình huống bị bất ngờ, tài xế sẽ phanh gấp hoặc đánh lái đột ngột, tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra. Khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng xử lý người vi phạm thì đã quá muộn.
Ném đá, tháo rào cao tốc, coi chừng bị xử lý hình sự
Với vấn nạn trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nhìn nhận, ném đá, tự ý tháo rào kẽm gai, băng qua cao tốc là rất nguy hiểm, tăng nguy cơ tai nạn.
Đơn vị quản lý cao tốc đã gửi công văn khẩn đến cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đề nghị tuyên truyền, xử lý các hành vi gây mất an toàn trên tuyến. Bên cạnh huy động nhân lực sửa lại các vị trí rào gai bị phá, đơn vị này liên tục tuần tra tại các điểm xảy ra ném đá, tụ tập đông người để ngăn chặn, nhắc nhở người dân và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho hay, địa phương đã yêu cầu công an cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý việc ném đá và tự ý tháo hàng rào trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Thành phố đã đề nghị các xã có cao tốc đi qua tăng cường tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền cho người dân không thực hiện những hành vi trên.
Trao đổi với P.V VietNamNet, luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk cho biết, về hành vi ném đá phương tiện giao thông, theo Điều 11 Nghị định 100/2019, sẽ bị xử phạt 500.000-1.000.000 đồng. Trường hợp trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015, khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
Luật sư Tòng đưa ra vấn đề, xe cộ chạy trên cao tốc với vận tốc rất cao 80-90km/h, chỉ cần một viên đá nhỏ vài cm, hoặc đá lớn văng trúng đã gây vỡ kính xe. Lúc này, người lái xe sẽ bị hoảng loạn, không nhìn thấy đường dễ dẫn tới tai nạn nghiêm trọng, có thể chết người.
Tuy nhiên, theo luật sư Tòng, luật pháp hiện hành chưa có quy định một cách cụ thể về hành vi này. Hiện, pháp luật chỉ xử lý hành vi phạt hình sự đối với tội Hủy hoại tài sản, nếu giá trị tài sản trên 2 triệu đồng và mức phạt cao nhất là 20 năm tù, nếu tài sản trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, luật pháp vẫn chưa đặt ra hậu quả trường hợp ném đá vào ô tô gây tai nạn dẫn đến chết người, đó cũng là một thiếu sót.
Còn trường hợp người dân tự ý cắt, tháo hàng rào hai bên cao tốc để gia súc đi qua, chăn thả gia súc trên cao tốc là vi phạm quy định pháp luật và có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 100/2019. Hành vi này có thể bị tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt gia súc, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.
Góp ý về góc nhìn pháp lý, luật sư Tòng nhận định, hành vi này gây nguy hiểm cho các xe cộ chạy trên cao tốc, vì quy định tuyến đường này được phép chạy tốc độ cao. Khi gặp súc vật, vật cản lúc chạy xe rất dễ xảy ra tai nạn, có thể dẫn tới chết người. Thế nhưng, mức phạt hiện nay không đủ để răn đe.
Vì thế, luật sư Tòng cho rằng, với các hành vi vi phạm trên cao tốc, cơ quan chức năng cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, có quy định rõ ràng, cụ thể hơn để đủ sức răn đe, đảm bảo an toàn.