Đặng Văn Tốt (sinh năm 1999) là thủ khoa toàn khóa học của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay với số điểm 8,52/10.
Để nuôi các con ăn học, như nhiều gia đình khác ở đảo Lý Sơn, bố mẹ Tốt trồng hành tỏi. Ngoài việc học, Tốt cũng tham gia cắt hành tỏi phụ bố mẹ. Ước mơ trở thành bác sĩ của Tốt ấp ủ kể từ khi em học lớp 8.
Là đứa trẻ sinh ra trên đảo, nam sinh từng chứng kiến người chị họ phải mổ cấp cứu để lấy thai gấp nhưng khi ấy, tàu không thể đi vào đất liền vì đúng mùa mưa bão. Đứng trước sự lựa chọn 50/50, cả gia đình đành gật đầu ký đơn mổ lấy thai tại bệnh viện tuyến huyện. May mắn, ca mổ thành công nhưng với Tốt “đó là khoảnh khắc quá đỗi kinh khủng”.
“Chưa bao giờ em cảm thấy bất lực tới vậy. Bệnh viên nơi em sinh sống không đủ điều kiện để thực hiện các ca cấp cứu, ví dụ như mổ ruột thừa. Hiện tại dù đã cải thiện ít nhiều nhưng thực tế vẫn còn rất thiếu thốn. Những ngày mưa bão tràn về, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn với người dân vùng đảo xa xôi”.
Mong muốn góp phần cải thiện y tế địa phương, Tốt đặt mục tiêu phải nỗ lực học hành thật tốt. Hết năm cấp 2, Đặng Văn Tốt là một trong 3 học sinh của đảo Lý Sơn nhận được học bổng tại dự án "Ươm mầm tương lai" của quỹ học bổng Vừ A Dính. Đây là dự án hỗ trợ học bổng toàn phần khi theo học tại các trường TP.HCM dành cho học sinh vượt khó, học giỏi ở các vùng biên giới, hải đảo.
Nhờ đó, 3 năm THPT, Tốt có cơ hội được theo học nội trú tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm ở Thủ Đức, TP.HCM.
Chưa từng đi xa, một mình sống ở nơi lạ, với Tốt có nhiều thứ khó thích nghi. “Khi còn học ở đảo, em chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa. Em sợ rằng mình không thể bắt kịp được với các bạn”.
Những ngày đầu tới TP.HCM, đêm nào Tốt cũng thấy nhớ nhà. Nhờ thầy cô và bạn bè hỗ trợ, em dần học cách thích nghi. Nhờ đó, năm lớp 10, Tốt giành được Huy chương Đồng môn Hóa trong kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 ở khu vực phía Nam. Đến năm lớp 11, em tiếp tục giành Huy chương Vàng trong kỳ thi này và lớp 12 đoạt giải Nhì thành phố.
Với sức học tốt, nam sinh quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Năm ấy, Tốt đạt 29,25 điểm, vừa đủ điểm đầu vào nhưng vẫn trượt do tiêu chí phụ là môn tiếng Anh không đáp ứng yêu cầu. Vì thế, Tốt trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.
Thêm một lần tiếp tục đổi thành phố để sinh sống và học tập, Tốt cảm thấy hoang mang. Hiểu những lo sợ của con, bố mẹ Tốt gác lại công việc trồng hành tỏi ở Lý Sơn, đồng hành cùng con ra Hà Nội. Chỉ đến khi con ổn định tại ký túc xá của trường, bố mẹ Tốt mới bắt xe ra về.
Ở ký túc xá 4 năm, đến khi em trai Tốt cũng thi đỗ ngành Y khoa, tới Hà Nội theo học cùng trường với anh trai, cả hai anh em mới quyết định chuyển ra ngoài thuê trọ.
Tốt cho biết, khi đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội, mục tiêu ban đầu của em là học tập hết khả năng chứ chưa từng nghĩ sẽ trở thành thủ khoa. Bởi lẽ những năm đầu tiên, kiến thức các môn cơ sở quá khó, nhiều thuật ngữ chuyên ngành, tới mức “dù đó đều là những từ ngữ tiếng Việt, nhưng nghe chẳng khác nào tiếng nước ngoài”.
“Thầy cô trên lớp giảng rất nhanh do chương trình bị giới hạn. Trong một buổi, có những khi thầy cô dạy hết cả một chương sách. Khối lượng kiến thức ấy nếu còn ở cấp 3, có lẽ em học cả năm mới hết được. Giáo viên dạy nhanh tới mức, em cảm giác chỉ cần chẳng may rơi bút xuống đất, khi ngước lên đã không theo kịp những điều thầy cô giảng”.
Hay với môn Hóa học đại cương, dù học không tệ môn Hóa trong những năm cấp 3 nhưng Tốt nói bản thân phải rất chật vật mới có thể theo kịp được.
“Nhà trường thường sắp xếp các môn học có độ khó cao ngay trong kỳ một năm Nhất. Đó đều là những môn “kinh khủng”, gây ám ảnh cho sinh viên, chẳng hạn như môn Lý Sinh hay Giải phẫu.
Tốt phải thử rất nhiều cách để tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân. Với mỗi chương dài 50 trang, em thường phân bổ nghiền ngẫm 10 trang trong vòng 1 tiếng. Trong lần thứ 2 đọc lại, em nâng lên 1 tiếng đọc 20 trang... Bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng, Tốt có thể ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
Ngoài ra, Tốt thường ghi chép những kiến thức quan trọng vào các ô trong một trang A4. Điều này giúp nam sinh nhớ được những nội dung quan trọng và việc ôn tập lại cũng nhẹ nhàng hơn.
Theo Tốt, may mắn xung quanh em có rất nhiều bạn giỏi. Các bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ để Tốt có thể vượt qua các kỳ thi an toàn.
“Ví dụ, một người bạn của em từng đoạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Hóa đã dành ra tận 5 buổi để giảng cho em kiến thức của môn Hóa học đại cương. Em luôn biết ơn các bạn vì luôn giúp đỡ em bất cứ khi nào em cần”.
Việc học từ chính những người bạn xung quanh, theo Tốt, là cách giúp bản thân vượt qua vướng mắc trong học tập, đồng thời thúc đẩy bản thân phải nỗ lực hơn.
6 năm học tại trường y, Tốt nhận thấy những sinh viên đỗ vào trường, nhất là vào ngành Y khoa, đó đều là những người xuất sắc. Nhưng nam sinh cũng từng chứng kiến không ít người bạn “ngủ quên trên chiến thắng quá lâu”, khiến bỏ lỡ giai đoạn đầu của những năm đại học.
“Những năm đầu học tại trường y rất khó. Nhiều bạn trượt môn, mất đà dẫn tới chán nản, sau đó tiếp tục những cú trượt dài. Sau 6 năm, kết quả các bạn nhận được không như kỳ vọng.
Cho nên, theo đuổi ngành y là một chặng đường rất dài. Em nghĩ mình cần phải có bản lĩnh, kiên trì mới có thể vượt qua tất cả những khó khăn ấy”.
Trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Y Hà Nội nhưng với Tốt, hành trình đến với nghề y của mình mới chỉ bắt đầu. Hiện nam sinh tập trung ôn thi cho kỳ thi bác sĩ nội trú của Trường ĐH Y Hà Nội.
“Khi đi lâm sàng, em từng nghe được câu chuyện của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo. Chỉ vì gia đình không có điều kiện, cô chú đã từ chối điều trị và xin về nhà. Khoảnh khắc ấy khiến em nhớ tới bố mẹ mình.
Bố mẹ em cũng đã có tuổi. Em lo sợ chẳng may bố mẹ mình rơi vào hoàn cảnh như thế, bản thân sẽ phải làm sao? Vì thế, em đặt quyết tâm phải theo đuổi nghề nghiêm túc, có thể bảo vệ sức khỏe cho bố mẹ và những người dân tại huyện đảo mình, giúp mọi người có thể tiếp cận với y học tiến bộ”, Tốt nói.