“Chúng tôi muốn trở thành nhà đúc chip cho tất cả phân khúc khách hàng. Tất nhiên, những sản phẩm đều được sản xuất bởi những máy đặt trên đất Mỹ”, Gelsinger nói với CNBC bên lề hội nghị công nghệ Computex ở Đài Bắc hôm 4/6.

Intel đang tìm cách thúc đẩy hoạt động kinh doanh đúc chip - lĩnh vực vừa báo lỗ 7 tỷ USD trong năm 2023. Theo báo cáo của Counterpoint Research vào ngày 22/5, công ty Mỹ hiện không nằm trong top 6 xưởng đúc có doanh thu cao nhất.

Intel từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cho đến năm 2017 khi bị Samsung Electronics vượt qua về doanh thu. Năm 2023, TSMC của Đài Loan vượt qua Samsung, trở thành xưởng đúc chip lớn nhất thế giới.

78c75c82 d384 4163 90dd ce0ebcb88dc9.jpeg
Mảng kinh doanh xưởng đúc của Intel vừa báo lỗ 7 tỷ trong năm 2023. Ảnh: CNBC

Do đó, Intel đặt mục tiêu “quay trở lại vị trí dẫn đầu vì nhiều khoản tổn thất liên quan đến công nghệ xử lý kém cạnh tranh”.

Khoảng 8,5 tỷ USD tài trợ từ đạo luật CHIPS, cùng với 11 tỷ USD tiềm năng khác sẽ được chi ra, dự kiến ​​sẽ giúp Intel thúc đẩy hoạt động sản xuất cũng như nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của mình.

“Nguồn vốn rất quan trọng. Chúng tôi phải có lợi thế cạnh tranh kinh tế khi xây các nhà máy đúc tại Mỹ và đó là điều đạo luật CHIPS đã thực hiện”, Gelsinger nói.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng muốn đuổi kịp Nvidia và AMD sau phần lớn thời gian đứng bên lề chứng kiến cơn sốt AI - giai đoạn hàng loạt doanh nghiệp công nghệ khác như Meta, Microsoft và Google tranh nhau mua chip của Nvidia.

Cũng tại hội nghị công nghệ Computex ở Đài Bắc hôm 4/6, Gelsinger đã tiết lộ bộ xử lý Xeon 6 mới dành cho các trung tâm dữ liệu có hiệu suất và hiệu suất sử dụng năng lượng được cải thiện so với phiên bản tiền nhiệm.

Gelsinger cho biết: “Xeon 6 là một bước tiến lớn trong khả năng cạnh tranh của chúng tôi, không chỉ để giữ vững thị trường của mình mà còn lấy lại một số thị phần mà công ty đã mất”.

Trung Quốc vẫn là thị trường thiết yếu đối với hầu hết các nhà sản xuất chip của Mỹ, bao gồm cả Intel, bất chấp nỗ lực của Washington nhằm hạn chế doanh số bán chip cho nước này và trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực giảm sự phụ thuộc của nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn.

“Trung Quốc hiện tại là một thị trường lớn đối với Intel và tiếp tục là thị trường trọng điểm của công ty trong tương lai”, người đứng đầu Intel cho biết. “Chúng tôi hướng tới xây dựng sản phẩm một cách kỹ lưỡng, tuân thủ luật pháp của cả hai quốc gia, nhưng vẫn đảm bảo độ hấp dẫn”.

Dữ liệu từ S&P Global tổng hợp vào tháng 3 cho thấy các gã khổng lồ chip của Mỹ như Intel, Broadcom, Qualcomm và Marvell Technology đang kiếm được nhiều doanh thu từ Trung Quốc hơn so với Mỹ.