Làng có mật độ di sản văn hóa dày đặc
Từ xa xưa, làng Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được biết đến là một trong những cái nôi hát phường vải nổi tiếng, đến mức Đại thi hào Nguyễn Du không quản đèo cao sông sâu tìm đến đây để được nghe và cùng các cô gái làng vừa sáng tác vừa hát đối làn dân ca xứ Nghệ.
Trường Lưu cũng là quê hương của đa số tác giả Văn phái Hồng Sơn như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Hào... Đây cũng là làng có truyền thống học hành khoa bảng, xây đắp nên trường tư thục Phúc Giang nổi danh cả nước thế kỷ XVIII.
Vì vậy, làng Trường Lưu chỉ vài trăm hộ dân, diện tích khoảng 1km² nhưng có tới 4 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 11 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và gắn với đó là hàng chục danh nhân văn hóa.
Đặc biệt, Việt Nam có 9 di sản được UNESCO công nhận Di sản Tư liệu ký ức thế giới thì làng Trường Lưu chiếm tới 3 di sản. Đây không chỉ là làng duy nhất có được điều này ở Việt Nam mà có lẽ cũng rất hiếm trên thế giới.
Truyền thống văn hóa, giáo dục, khoa bảng của làng Trường Lưu, nhất là dòng họ Nguyễn Huy là nhân tố quyết định cho sự ra đời hàng chục di tích lịch sử, văn hóa tại đây.
Di sản thứ nhất: Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu giai đoạn 1689-1943
Bộ di sản tư liệu gồm 48 văn bản chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến 1943, viết trên giấy dó, vải lụa hoặc khắc gỗ thuộc sở hữu của ba dòng họ ở làng Trường Lưu gồm: Nguyễn Huy (46 bản), Trần Văn (1 bản) và Hoàng Văn (1 bản).
Trong đó có 26 sắc của các đời Vua thời hậu Lê và thời nhà Nguyễn, phong - ban chức tước; tôn vinh - phong thần, ban mỹ tự giai đoạn (1689-1924); 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân làng Trường Lưu và chính quyền xã Lai Thạch thời nhà Nguyễn từ năm 1803 đến năm 1943; 3 bức trướng tặng các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đại khoa.
Hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng văn hóa Trường Lưu do của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UNESCO khẳng định: “Bộ sưu tập là bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học, kính trọng người cao tuổi của một làng quê tiêu biểu Việt Nam, cụ thể là làng Trường Lưu; giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử quốc gia dân tộc trong một thời gian dài (1689 - 1943). Mỗi tài liệu được xem như một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản độc đáo".
Di sản thứ hai: Hoàng Hoa sứ trình đồ (Bản đồ hành trình đi sứ Trung Hoa)
Hoàng hoa sứ trình đồ là tác phẩm của Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên tập từ tài liệu của các phái bộ đi sứ trước đó, đồng thời bổ sung thêm nhiều nội dung, hình ảnh trong chuyến đi sứ của ông (năm 1766 - 1767), với cương vị là Chánh sứ. Đây là tác phẩm quý hiếm, độc đáo, có giá trị nhiều mặt được dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ.
Tác phẩm gồm 2 tập, kích thước 30x20cm, có tổng cộng 238 trang. Tập 1 là tập bản đồ được coi là căn cứ cho công tác chuẩn bị trước khi đi sứ; tập 2 là tập bản đồ và ghi chép chi tiết tuyến đường đi sứ từ cửa ải Nam quan đến Bắc Kinh.
Phần chính của tác phẩm là bản đồ mô tả địa hình, cảnh quan, con người, văn hóa, phong tục tập quán... được ghi chép, chú giải cụ thể, tỉ mỉ nhằm chuyển tải thông tin phong phú, quý hiếm về chính trị, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Hoa; lịch sử, địa lý, văn hóa, kiến trúc... đương thời ở Trung Quốc.
Từ các tư liệu thu thập được, Nguyễn Huy Oánh đã định bản và biên tập, hiệu đính, chú thích để cung cấp tư liệu, cách thức giao tiếp, xử lý tình huống gặp phải trong hành trình đi sứ. Cuốn sách thể hiện tài năng của Nguyễn Huy Oánh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, lịch sử, địa lý, thơ ca, hội họa...
Hoàng Hoa sứ trình đồ được triều đình đương thời đánh giá cao; và từ khi ra đời (cuối thập niên 1760) đến đầu thập niên 1910 (khi chế độ phong kiến nhà Thanh sụp đổ), trở thành cẩm nang của các phái bộ Việt Nam đi sứ Trung Hoa.
Di sản thứ ba: Mộc bản Trường học Phúc Giang
Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc chữ Hán do 5 bố con, anh em, ông cháu dòng họ Nguyễn Huy tổ chức sản xuất. Gồm các nhà giáo Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự toản yếu các bộ sách kinh điển Nho giáo, biên tập sách giáo khoa, tài liệu phục vụ dạy và học. Các tác giả của mộc bản như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự đều tham gia giảng dạy cho các thế tử vua Lê, chúa Trịnh.
Nguyên liệu dùng sản xuất mộc bản là những cây gỗ thị cổ thụ có đặc điểm cứng, ít bị mối mọt, không bị giòn gẫy, cong vênh. Kích thước các bản mộc có chiều dài từ 25-30cm, chiều rộng rộng từ 15-18cm (tùy theo khổ của mỗi cuốn sách) và bề dày 1-2cm. Hình thức trình bày phong phú có lưu giữ bút tích, ấn triện, gia huy riêng biệt để khẳng định bản quyền...
Chữ Hán khắc trong bộ mộc bản là chữ viết có tính quốc tế, được dùng trong hệ thống văn tự nhà nước các quốc gia đồng văn ở Đông - Bắc Á thời bấy giờ. Chữ được viết ngược (âm bản) để khắc lên mộc bản.
Quá trình sản xuất mộc bản kéo dài từ năm 1758 đến 1788, do các thợ khắc lành nghề, tinh xảo từ làng nghề Hồng Lục, Liễu Chàng, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) thực hiện.
Mộc bản Trường học Phúc Giang là tư liệu gốc duy nhất của dòng họ ở Việt Nam, dùng in sách giáo khoa Nho giáo và các tài liệu về lịch sử, văn hóa, giáo dục phục vụ dạy - học.
Mộc bản Trường học Phúc Giang ban đầu có số lượng khoảng vài nghìn bản. Tuy nhiên, do lâu năm, do chiến tranh và biến thiên của thời cuộc, hiện nay chỉ còn 383 bản do dòng họ quản lý và 8 bản trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.
Mộc bản Trường học Phúc Giang được ghi chép trong các tài liệu chính sử của triều Nguyễn gồm Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí và các sách chuyên khảo Lịch Triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch. Dù đã trên 250 năm, chữ khắc trên các bản mộc vẫn vẹn nguyên sự thanh thoát, tinh xảo và rất sắc nét. Với nhiều dạng chữ như: Lệ thư, Thảo thư, giản tự, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… hàm chứa nhiều giá trị.
Rất may là bộ mộc bản dùng để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển gồm Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ (12 quyển) vẫn còn nguyên vẹn.
Nội dung tư liệu trong Mộc bản Trường học Phúc Giang phong phú, được chắt lọc từ tinh hoa Nho giáo, văn hóa giáo dục của khu vực, kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa bản địa. Các soạn giả đã bổ sung nhiều tư liệu của Việt Nam như phần lịch sử các triều đại Việt Nam từ thời Đinh đến thời Trần, cùng với các nhận xét, đánh giá về các vị vua. Một số tư tưởng của Khổng giáo đã được tiếp thu có phê phán, chọn lọc thể hiện tính kế thừa, phát huy những hạt nhân tích cực của tư tưởng Nho giáo.
Các tài liệu được in từ Mộc bản Trường học Phúc Giang không chỉ dùng để dạy - học ở ngôi trường này mà còn phục vụ cho giảng dạy, học tập ở Quốc Tử Giám, kinh thành Thăng Long. Đến thời nhà Nguyễn, các tài liệu này tiếp tục được Nguyễn Huy Tá, phó Đốc học (Hiệu phó) Quốc Tử Giám ở kinh thành Huế sử dụng làm tài liệu cho cả người dạy và người học.
Tại Lễ trao Bằng công nhận Di sản Tư liệu ký ức Thế giới cho Mộc bản Trường học Phúc Giang do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày 25/9/2016, bà Susan Vize, Quyền Trưởng Đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam đánh giá: “Mỗi mộc bản là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tỉ mỉ, chữ được viết với thư pháp tinh xảo. Các tư liệu được khắc trong bộ sưu tập độc đáo phản ánh lịch sử, chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, tư tưởng và sự tương tác giữa các dòng họ khác nhau”.
Nếu giới thiệu 3 di sản của làng Trường Lưu được công nhận Di sản Tư liệu ký ức Thế giới mà không đề cập đến đóng góp to lớn của Giáo sư, TSKH, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu) sẽ là một thiếu sót. Ông được đào tạo ngành Điều khiển và Tự động hóa ở Nga thời Liên Xô, nhưng từ thập niên 1980 đến nay luôn đam mê tìm hiểu, nghiên cứu về các di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy và làng Trường Lưu.
Ông tự bỏ tiền cá nhân thuê dịch thuật, in ấn, phát hành 10 đầu sách cùng hàng trăm đạo sắc, tư liệu Hán Nôm của dòng họ. Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ cũng là tác giả 4 tập sách và hàng chục bài báo về chủ đề văn hóa và di sản văn hóa. Mặt khác, ông đã có hàng chục bài tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về di sản văn hóa.
Nhờ vậy, các di sản của dòng họ Nguyễn Huy và làng Trường Lưu không chỉ được giới thiệu, quảng bá trong nước mà còn vượt biên giới quốc gia đến với UNESCO và lan tỏa ra toàn cầu.