Rau quả rớt giá, ế ẩm
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả thu về 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Dù xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, đặc biệt là sang hai thị trường chính là Trung Quốc và Mỹ, song giá nhiều loại qua củ, trái cây ở nước ta vẫn lao dốc vì bế tắc đầu ra.
Tháng 5 vừa qua, giá xoài Úc tại Cam Lâm (Khánh Hòa) giảm mạnh. Xoài loại 1 giá chỉ từ 10.000-15.000 đồng/kg, có thời điểm giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thanh long ở vùng ĐBSCL hiện rớt giá nặng nề. Giá thanh long tại Bình Thuận chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ 500-1.000 đồng/kg. Tại Long An, giá thanh long giảm từ 20.000-21.000 đồng/kg xuống mức 3.000-5.000 đồng/kg
Thanh long đang rớt giá mạnh |
Trong tình cảnh tương tự, giá chuối già xuất khẩu khoảng gần một tháng nay giảm mạnh, còn khoảng 3.000-6.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, chuối đẹp đủ chuẩn xuất khẩu chỉ được mua tại vườn với giá 4.000-5.000 đồng/kg.
Người nông dân tại vựa mít Thái Tiền Giang rớt nước mắt khi loại quả “siêu thực phẩm” này chỉ còn 5.000-10.000 đồng/kg, trong khi mít hàng chợ, mít kem còn 500-1.000 đồng/kg.
Còn ở Tây Nguyên, giá bơ loại 1 chỉ 5.000 đồng/kg; thanh long đỏ 1.000-1.500 đồng/kg; xoài cũng chỉ có giá 3.000-5.000 đồng/kg.
Đấu giá vải thiều tại Australia, bán 500.000 đồng/kg tại Pháp
Tại thành phố Perth của Australia vừa diễn ra phiên đấu giá quả vải tươi của Việt Nam trong lô hàng đầu tiên của mùa vụ năm nay cập bến Australia. Theo VOV, tại đây, 1 hộp quả vải tươi duy nhất đã được mua với giá 3.000 AUD (tương đương gần 52 triệu đồng). Số tiền thu được trong cuộc đấu giá này sẽ được chuyển về Việt Nam để trợ giúp các em nhỏ gặp khó khăn ở các vùng trồng vải.
Nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam vào thị trường Australia không hề dễ dàng khi thị trường có yêu cầu khắt khe, Australia cũng có quả vải tươi với chất lượng cao. Đồng thời, quả vải tươi Việt Nam cũng phải cạnh tranh với vải đến từ các quốc gia khác.
Hộp quả vải chất lượng đặc biệt của Việt Nam được mang ra đấu giá tại Australia. |
Còn tại Pháp, hai lô hàng gần một tấn vải thiều Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Sau 3 ngày lên kệ siêu thị, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhập khẩu vào Pháp được tiêu thụ nhanh chóng.
"Mặc dù có giá là 18 euro/hộp 1 kg (khoảng 500.000 đồng/kg), nhiều khách hàng đã mua tới 5 kg vải thiều cho gia đình và làm quà cho bạn bè", ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho hay.
Giá lợn hơi rẻ nhất 2 năm, thịt lợn ngoài chợ vẫn đắt đỏ
Thịt lợn hơi xuất chuồng đang có mức giá rẻ nhất kể từ tháng 11/2019 tới nay. Giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 4.000-7.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 64.000-68.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi giảm 4.000-6.000 đồng/kg, còn từ 65.000-69.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, thịt lợn hơi đồng loạt giảm 4.000 đồng/kg, giá khoảng 67.000-69.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm là do nguồn cung dồi dào, trong khi sức mua lại giảm do vào hè và ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Trái ngược với giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, giá thịt lợn tại chợ vẫn vô cùng đắt đỏ và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại một số khu chợ ở Hà Nội, giá thịt lợn ba chỉ từ 130.000-160.000 đồng/kg; thịt thăn giá 140.000-170.000 đồng/kg; thịt chân giò, vai và mông sấn giá 120.000-150.000 đồng/kg.
Khẩu trang y tế nội địa Trung Quốc bán tràn lan
Theo khảo sát của Zing, thị trường mua bán khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, kit test nhanh Covid-19... đang khá nhộn nhịp. Đặc biệt, quảng cáo rao bán khẩu trang y tế nhiều màu sắc xuất hiện ồ ạt. Loại khẩu trang y tế này đang được rao bán trên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử với giá từ 25.000-30.000 đồng/gói (10 chiếc). Thậm chí, có sàn thương mại điện tử chỉ bán với giá từ 1.500 đồng/chiếc.
Khẩu trang y tế nội địa Trung Quốc bán tràn lan (Ảnh: Zing) |
Người bán cho biết, loại khẩu trang này là hàng nội địa Trung Quốc. Loại khẩu trang y tế này chủ yếu nhập về theo đường tiểu ngạch.
Áp thuế đường Thái Lan, giá mía trong nước tăng
Ngày 15/6, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Việc giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đã có tác động tích cực với ngành mía đường trong nước.
Giá đường trong nước đã nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000-200.000 đồng/tấn. Từ đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.
Giá phân bón “nhảy múa” từng ngày
“Chúng tôi bán phân bón cho người nông dân mà cứ như chơi chứng khoán. Giá nhảy liên tục, trong 10 ngày thay đổi giá tới 3 lần”, chủ một cơ sở kinh doanh phân bón tại Thanh Hoá chia sẻ. Theo một số chủ kinh doanh phân bón, có hai lí do chính để giá phân bón tăng, đó là do thị trường khan hàng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Nhưng tại một cuộc họp khẩn do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 13/3, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - khẳng định, không có chuyện khan hiếm phân bón làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Giá phân bón tăng từ đầu năm 2021 được cho là do những tác động từ thị trường thế giới khi giá một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng, cộng với việc giá cước vận chuyển tăng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đồ cúng ngày Tết Đoan Ngọ đắt hàng
Cũng như những năm trước, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng như cơm rượu nếp, hoa quả vào ngày Tết Đoan Ngọ (5/5) năm nay tăng cao.
Tại Hà Nội, những gánh hàng rượu nếp xuất hiện rất nhiều trên hè phố, tại các khu chợ với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg tuỳ loại nếp cái hay nếp cẩm
Hoa quả là những mặt hàng không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, giá hoa quả trong ngày này nhỉnh hơn một chút so với ngày thường.
Mâm cúng đắt khách ngày Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Comida Ngon) |
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mâm cúng Tết Đoan Ngọ giao tận nhà trở nên đắt khách. Nhiều nơi phải từ chối đơn hàng vì quá tải. Mỗi mâm lễ có giá từ 150 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng.
Lá bàng tươi giá 100.000 đồng/kg
Năm ngoái, nhiều người từng bất ngờ khi lá bàng khô được rao bán rầm rộ với giá 1.000 đồng/lá. Đến nay, không ít người lại sửng sốt khi một số cửa hàng trên sàn thương mại điện tử rao bán lá bàng tươi với giá 100.000 đồng/kg. Nhiều người đặt câu hỏi loại lá khá phổ biến và bị coi là rác ở nước ta sao lại 'hot' đến thế?
Những người bán hàng cho biết lá bàng non có rất nhiều công dụng với sức khỏe, có thể chế biến thành thuốc chữa nhiều bệnh cho con người. Theo kinh nghiệm dân gian, lá bàng non được sử dụng để điều trị các vết thương ngoài da, chữa các vết viêm loét, điều trị các triệu chứng đau dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, chống oxy hóa,...
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Khẩu trang y tế nội địa Trung Quốc tràn lan trên mạng
Được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc, loại khẩu trang y tế nhiều màu sắc đang được rao bán tràn lan trên mạng với giá từ 1.500 đồng/chiếc.