Xã Môn Sơn có 14 bản trong đó Bản Búng, Bản Co Phạt là 02 bản định cư ở địa bàn hiểm trở trong vùng lõi của rừng quốc gia Pù Mát sát biên giới Việt Lào.

Ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Dự án bảo tồn bền vững tộc người Đan Lai; tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý do nên dự án vẫn còn dang dở. Đây cũng là một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Từ trước đến nay, mặc dù đã được các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức hết sức quan tâm, nhưng do địa bàn phức tạp, đi lại khó khăn, người dân sông chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy; đất canh tác hạn chế nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ đói nghèo cao chiếm 100%.

Đặc biệt, hiện nay có 72 cháu học sinh tộc người Đan Lai đang học tập tại trường Trung học cơ sở (THCS) Môn Sơn; Do điều kiện đường sá không đảm bảo cho các cháu đi lại học tập: gia đình cách trường từ 15 – 20km đường đèo dốc, thường xuyên bị sạt lở, chia cắt khi có mưa, lũ, nguy cơ các cháu bỏ học rất cao.

Để giúp đỡ các cháu học sinh Đan Lai, năm 2018, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng khu nội trú riêng và hỗ trợ tiền ăn 18.000 đồng/ngày/học sinh. Khu nội trú được hình thành, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để được hưởng các chính sách nội trú. Trường THCS Môn Sơn cũng đã gặp nhiều khó khăn phát sinh trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự...100% gia đình học sinh đều là hộ nghèo nên cuộc sống của các cháu tại khu nội trú gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cháu còn nhỏ (độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi), lần đầu tiên xa gia đình, nên việc sinh hoạt, học tập còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí nhiều cháu còn có ý định bỏ học...

Đứng trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã phối hợp với Địa phương, nhà trường triển khai Mô hình “Ký túc xá Biên phòng” với mong muốn lgiúp đỡ các cháu học sinh sớm làm quen, hòa nhập với cộng đồng; đồng thời trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt, học tập gần với môi trường quân đội của người lính Biên phòng; trên cơ sở đó, tạo đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, hỗ trợ, rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống cho các học sinh; tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với học sinh tộc người Đan Lai nói riêng, với đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới nói chung, góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trên địa bàn khu vực biên giới.

Tại mô hình ký túc xã vùng biên,  có 3 cán cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn cùng nhau duy trì một số chế độ, giờ giấc trong ngày, tuần cho các cháu học sinh; phối hợp chặt chẽ với nhà trường hướng dẫn các cháu học sinh học tập, ôn luyện bài cũ; hỗ trợ, giúp đỡ các em rèn luyện kỹ năng sống, tự lập trong sinh hoạt cá nhân, như: cắt tóc, giặt quần áo, cách trồng và chăm sóc hoa màu...

Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ vật chất phục vụ sinh hoạt, học tập cho các cháu; động viên, khen thưởng kịp thời các cháu học sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt... Phối hợp với nhà trường và gia đình vận động các cháu học sinh bỏ học trở lại trường.

Hữu Duyên, Hồng Hạnh, Thế Long, Bình Minh