Những phản ánh của người dân về hiện tượng các đối tượng giả mạo Công ty TikTok nhắn tin tuyển nhân viên nhằm mục đích lừa đảo đã được Trung tâm VNCERT/CC ghi nhận qua theo dõi hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (đầu số 5656) do đơn vị này quản lý, vận hành.
Cụ thể, nhiều người dân đã nhận được các tin nhắn mạo danh Công ty TikTok với nội dung như: “Cty TikTok tuyển nhân viên làm tại nhà!. Mỗi ngày kiếm ít nhất 800 k. Người mới sẽ có nhân viên hướng dẫn công việc. Chỉ cần có thời gian rảnh là đều có thể làm việc. Xin add số zalo liên hệ:xxxxxxxxxx.”
Nội dung của các tin nhắn mạo danh Công ty TikTok nhà người dân nhận được đa phần đều giống nhau. Các lời mời gọi với mức lương được đề bạt cao lên đến 800.000 đồng/ngày.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị người dân khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, cần phản ánh ngay để Trung tâm kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý. |
Theo nhận xét của đại diện VNCERT/CC, với những ai vốn đề cao cảnh giác thì tin nhắn trên chỉ khiến họ cảm thấy phiền phức. Tuy nhiên đối với những người dễ tin, những dòng tin nhắn spam này lại khiến họ dễ bị dụ dỗi tham gia vào đường dây đa cấp có quy mô lớn. Với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà, lương cao, không ít người đã bị vướng vào những công việc đa cấp này.
Vì thế, khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, người dân cần phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin, trực tiếp là Trung tâm VNCERT/CC qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc phản ánh qua Cổng thông tin điện tử phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác tại địa chỉ chongthurac.vn để Cục kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
Tình trạng nhắn tin mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo người dân đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Hơn thế, mặc dù không phải là chiêu thức lừa đảo mới song vẫn có không ít người mất cảnh giác, bị lừa đảo, và thậm chí là tự làm lộ mật khẩu tài khoản ngân hàng dẫn đến mất tiền.
Đơn cử như, hồi cuối năm ngoái, Trung tâm VNCERT/CC cũng đã cảnh báo việc nhiều người dân bị các thuê bao điện thoại 0582856xxx, 0566439xxx, 0584040xxx, 0584711xxx… gửi tin nhắn lừa đảo mạo danh Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Khi người dân đăng nhập vào đường link lừa đảo trong các nội dung tin nhắn giả mạo, giao diện giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng mà người dân đang sử dụng sẽ được hiển thị. Tiếp đó, tại các giao diện website giả mạo này, đối tượng xấu yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Cũng trong tháng cuối cùng của năm 2021, Trung tâm VNCERT/CC đã ghi nhận hàng loạt phản ánh của người dân về việc họ nhận được tin nhắn mạo danh các ngân hàng ACB, Sacombank, TPBank... để lừa người dùng truy cập vào các website giả mạo trang giao dịch điện tử của ngân hàng, từ đó đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục An toàn thông tin tăng cường giám sát, phát hiện và điều phối các nhà mạng, phối hợp với các tổ chức tài chính - ngân hàng xử lý hơn 1.000 website lừa đảo trong hơn 1 năm qua. Cục An toàn thông thường xuyên cảnh báo cho người dùng và xây dựng cổng cảnh báo để người dân cùng chung tay phát hiện sớm các website lừa đảo để xử lý. Bên cạnh đó, về lâu dài, để giúp người dân có thể nhận biết, chủ động tránh được lừa đảo trên mạng, Cục ATTT đã triển khai Hệ sinh thái tín nhiệm mạng cho phép người dùng nhận biết được các thông tin tin cậy về website, email, số điện thoại… của tổ chức cần tìm kiếm.
Vân Anh
Tái diễn tình trạng nhắn tin lừa đảo mạo danh Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị, tên định danh được Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng để gửi tin nhắn có tiêu đề “BHXHVN”, do đó người dân không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tên hiển thị của người gửi không rõ ràng.