Quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa bao giờ là câu chuyện cũ. Tuy nhiên, nó ngày càng trở nên nóng hơn trước vấn nạn tin tức giả mạo (fake news) và các hành vi không đúng mực của người dùng trong nước thời gian gần đây.
Zing.vn trích lược bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử Vietnamnet về vấn đề này.
Mạng xã hội làm thay đổi hành vi con người
Theo ông Lâm, người dùng trong nước chưa thích nghi với một môi trường xã hội mà ở đó, mọi người biểu đạt ý kiến một cách hòa bình và xây dựng. Bất cứ thông tin nào được đưa lên một cách thiếu kiểm chứng, lồng vào đó cảm xúc của người trong cuộc, dễ tạo nên hiệu ứng lây lan.
Trong khi đó, mạng xã hội nhiều khi không có chỗ cho sự phản biện qua lại một cách công bằng, thẳng thắn dẫn đến nhiều vụ việc vượt khỏi tầm kiểm soát của chính những người đưa thông tin ban đầu.
Có nhiều người do nắm bắt được xu hướng này của mạng xã hội ở Việt Nam đã tung ra những thông tin chưa rõ thật giả với ý đồ rõ ràng.
Thêm vào đó, nhiều người sử dụng mạng xã hội dù không có thông tin nhưng thích bày tỏ quan điểm đã lao vào bình luận, thể hiện thái độ tạo nên hiệu ứng nhiễu thông tin.
Nói về việc mạng xã hội làm thay đổi hành vi người dùng, ông Lâm lấy dẫn chứng: “Ngày xưa, chúng ta làm gì có suy nghĩ vào mạng để like hay comment một status của ai đó. Bây giờ, mọi người có xu hướng vào mạng, bày tỏ thái độ với tất cả mọi vấn đề, thậm chí vấn đề không liên quan đến mình. Một cách tự nhiên, công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thậm chí văn hóa con người lúc nào không biết. Chúng ta từ một người dù không có mạng vẫn sống tốt trở thành một người trên mạng gọi là ngáo face”.
“Ở một chừng mực nào đó, sự dễ dãi và tiện ích của công nghệ làm tha hóa con người, tha hóa hành vi”, ông Lâm kết luận và bày tỏ tin tưởng nhiều người vẫn sống tốt mà không phải ngày nào cũng lên mạng xã hội.
Cần thêm nỗ lực trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc
Nói về việc ngăn chặn thông tin xấu độc bành trướng trên mạng xã hội thời gian qua, ông Lâm khẳng định Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt việc này. Ông Lâm đánh giá sự hợp tác của nhà cung cấp nội dung thông tin công cộng xuyên biên giới như Google, YouTube ở mức tốt.
Đối với Facebook, sự phối hợp bước đầu đã có nhưng vẫn cần thêm thời gian để trao đổi, thuyết phục nhau. Ông Lâm lấy ví dụ có những nội dung sai phạm, xấu độc YouTube đã hạ, đã chặn nhưng Facebook lại không làm.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới câu chuyện quản lý trên mạng xã hội sẽ có những bước tiến mới do các bên hiểu nhau hơn”, ông Lâm nói. Ông khẳng định đây là việc làm cần thiết, không phải theo cách nâng cao quan điểm, soi mói một cách thiếu thiện chí hay dưới góc nhìn chính trị cho rằng đó là hạn chế tự do ngôn luận.
“Chúng ta đã thấy có bài học khi cả xã hội 'lên đồng' về một thông tin được đưa ra không đúng sự thật sẽ tạo ra hệ lụy vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến an toàn tính mạng. Thế nên mới có câu chuyện, bỗng cả một đám người 'lên đồng', xông vào đánh oan một người phụ nữ vì tưởng là người đó buôn bán trẻ con, nhưng thực ra không phải. Cuối cùng, không ai chịu trách nhiệm cho việc đánh oan đó.
Chúng ta cũng thấy có những thông tin được phát tán nhân chuyện nọ, chuyện kia, chẳng hạn như chuyện lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để kêu gọi biểu tình trái pháp luật, xuyên tạc những chính sách chủ trương và những việc mà Đảng và Nhà nước đang làm ở vấn đề xử lý sự cố môi trường biển miền Trung chẳng hạn… Đó là những hành vi không chấp nhận được trên mạng xã hội, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Chúng ta cần phải cùng nhau, đẩy nhanh việc nâng cao nhận thức chung về vấn đề này, cùng nhau tìm ra được giải pháp chứ không phải ngồi đó mà chờ mọi việc tự nhiên tốt lên", ông Lâm kết luận.
Theo Zing