Hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) chính thống vừa được tổ chức chiều 25/5 với nghi lễ rước khám đường của các ông hiệu cờ, thu hút đông đảo du khách về dự. Năm nay, lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 25-27/5 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng và một số địa điểm liên quan. Sự kiện được tổ chức đồng thời kết hợp Lễ công bố Quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hàng năm, Lễ hội Gióng làng Phù Đổng được người dân các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên (xã Phù Đổng) đứng ra tổ chức và trở thành lễ hội nổi tiếng của vùng châu thổ Bắc Bộ. Mỗi làng chọn ra một thanh niên trẻ đóng vai ông Hiệu với các vai ông Hiệu Chiêng, ông Hiệu Trống, ông Hiệu Cờ, ông Hiệu Trung Quân. 

Trần Đức Tuấn làm ông Hiệu Trống đại diện cho toàn làng. Từ nhỏ, chàng trai 21 tuổi này đã nhiều lần tham gia hội với các vai trò khác nhau. Để lễ rước được diễn ra tôn nghiêm, các ông Hiệu không được mở miệng lên tiếng trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ. 

Vào lúc 14h, các ông Hiệu cùng đoàn rước tập trung trước cổng Đền Gióng để chuẩn bị lễ rước khám đường. Ngay sau hiệu lệnh của ông Hiệu Trống, đoàn rước xuất phát từ đền Thượng (đền Phù Đổng) đến đền Mẫu với quãng đường hơn 3km.

Nghi lễ này thường diễn ra trước thời điểm khai mạc hội Gióng, mang ý nghĩa do thám tình hình trận địa khi vào cuộc chiến. Ngay sau lễ khám đường, vào ngày mùng 8/4 Âm lịch sẽ diễn ra lễ rước cỗ. Sau đó một hôm đến chính hội, người dân sẽ tổ chức lễ trận truyền thống, tái hiện cuộc chiến giữa Phù Đổng Thiên Vương và giặc Ân năm xưa.

Tham gia lễ rước có sự góp mặt của rất nhiều trẻ em và người lớn xã Phù Đổng vào các vai các Phù Giá (70 người), làng áo Đỏ (34 người), làng áo Đen (40 người) cùng nhiều người với nhiều vai trò khác nhau. Sau khi nghe hiệu lệnh, người trong đoàn rước hét lớn: "Reo lên nào! Dẹp ra nào!" tạo nên không khí náo nhiệt. 

Các em nhỏ trong vai người hầu (người thân cận nhất với ông Hiệu) cắt tóc 3 chỏm và được trang điểm cầu kỳ. Trong suốt nghi lễ, người hầu phải quạt mát, thấm mồ hôi cho các ông Hiệu. 

Bên cạnh đó còn có một số nhân vật khác như ông Hổ, đội mở đường. 

Sau khi đi một vòng, các ông Hiệu dừng chân trước đền Thượng để tạ lễ rồi di chuyển đến đền Mẫu, tuy nhiên họ chỉ đi qua mà không làm lễ tại đây. 

Với quãng đường hơn 3km cùng thời tiết oi bức, nhiều em nhỏ tranh thủ nghỉ ngơi trong khi chờ đoàn rước phía sau. 

Người dân trong làng Phù Đổng thích thú theo dõi đoàn rước. 

Sau khi đi qua đền Mẫu, cả đoàn thực hiện một số nghi lễ rồi kết thúc buổi lễ rước khám đường. Hội Gióng Phù Đổng 2023 khai mạc vào 19h ngày 25/5. Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, chương trình còn có hoạt động văn nghệ và các giải thể thao cùng nhiều trò chơi dân gian khác.