Vừa qua, chương trình thi tốt nghiệp của lớp Đạo diễn sự kiện lễ hội (ngành Đạo diễn sân khấu, khóa 40) diễn ra tại Khu Thủy Đình, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, với điểm nhấn là một sân khấu đa địa hình, được đầu tư công phu.
Sự kiện diễn ra trong khoảng 1 giờ 45 phút của hai nhóm thí sinh (mỗi nhóm từ 5-6 sinh viên) với chủ đề là “Tinh hoa Sen Hồng” và “Linh Tre - Hồn Việt”. Trước đó, các bạn trẻ đã mất 6 tháng kỳ công để chuẩn bị.
Ở phần thi của chủ đề “Linh Tre - Hồn Việt”, từ âm thanh, ánh sáng, ý tưởng sân khấu cho đến diễn viên, đạo cụ, tất cả đều được các thí sinh tính toán kỹ lưỡng để mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, mang đậm giá trị văn hóa.
Tại đây, các công nghệ ánh sáng hiện đại đã được sử dụng như 3D Mapping, Laser Mapping… Ở giữa tiết mục có phần bối cảnh khói lạnh, tạo nên không gian lung linh, huyền ảo, gợi nhắc nơi khởi nguồn của những sự tích.
Khu vực sân khấu bao gồm 4 địa hình trình diễn như thủy đình; sàn âm nước; mặt đất tam giác và sân khấu nổi. Hàng loạt hình thức nghệ thuật sân khấu như ca múa nhạc; kịch hình thể; xiếc; rối nước… tất cả được tổng hòa trong cùng một không gian mở.
Khoảng 150 người bao gồm cả diễn viên chuyên nghiệp lẫn không chuyên đã được huy động thực hiện. Một thí sinh cho biết, để làm nên chương trình như thế này ở ngoài sẽ chi phí không dưới 1 tỷ đồng. Còn các bạn sinh viên ở đây đã kêu gọi được tài trợ từ nhiều đơn vị, nhiều nguồn khác nhau. Do đó sự kiện diễn ra thuận lợi và thành công hơn cả mong đợi.
Với hình ảnh sen hồng, loài hoa tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sáng, nhóm “Tinh hoa Sen Hồng” mang đến phần trình diễn gồm 3 chương, kéo dài trong khoảng 30 phút.
Những tấm lụa tơ sen được ra đời từ hàng ngàn sợi tơ lấy từ phần cuống của bông hoa sen. Sen cũng biểu trưng cho lòng nhân ái và đức tính nhân văn cao cả.
Sân khấu nghệ thuật trình diễn gồm 3 chương với 9 cảnh diễn, lấy cảm hứng từ hình ảnh “cây tre”, loài cây biểu tượng cho sự bền bỉ, dẻo dai, kiên cường của người dân Việt Nam, có mặt từ thuở khai hoang lập địa cho đến khi dựng nước. Tiêu biểu là hình ảnh các làng xã nông thôn sống êm đềm bên lũy tre xanh.
Nguyễn Thị Lan Hương (22 tuổi), thành viên nhóm “Linh Tre - Hồn Việt”, xúc động khi màn trình diễn khép lại. Để xây dựng được một chương trình nghệ thuật tổng hợp như thế này, nữ sinh viên đã cùng các thành viên trong nhóm liên tục lên ý tưởng, điều phối và chỉnh sửa cho đến ngày tổ chức.
Sự phát triển của ngành học liên quan đến đạo diễn sự kiện, lễ hội đã mở ra hy vọng tươi sáng cho việc tổ chức những sân khấu trình diễn quy mô lớn, đặc biệt là hình thức sân khấu thực cảnh như các show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Việt Nam”... đã từng gây nhiều tiếng vang. Đây cũng là một cách để quảng bá, phát triển du lịch kết hợp văn hóa nghệ thuật mà vẫn làm nổi bật được dấu ấn đặc trưng của địa phương.