- “Nếu chỉ cân đo đong đếm theo Luật Di sản văn hóa thì sẽ bỏ sót nhiều công trình cần bảo tồn. Bởi vì, có nhiều công trình hàng trăm năm chưa nhận ra được giá trị thực sự của chúng, nhưng nếu bỏ qua, mất đi rồi thì khó mà phục dựng”.

Đó là nhận định của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn tại hội thảo về “di sản kiến trúc đô thị TP.HCM” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Hội Kiến trúc sư và UBND TP.HCM tổ chức ngày 14/12.

Cơn lốc đô thị hóa phá vỡ di sản


TP.HCM đã có lịch sử trên 300 năm hình thành và phát triển. Trong suốt quá trình này, đã để lại những dấu ấn thông qua các công trình kiến trúc có giá trị, những khu phố tiêu biểu gắn với cảnh quan sông nước, phố chợ. Do đó, hầu hết các nhà kiến trúc sư đề nghị cần phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản kiến trúc đô thị thành phố.

Tuy nhiên, các nhà kiến trúc sư cho rằng, quá trình “đô thị hóa” quá nhanh đã khiến thành phố thay đổi, không còn những xóm nhà lá lụp xụp nhếch nhác trên kênh nước đen, thay vào đó là những khu đô thị mới. Nhiều biệt thự có kiến trúc đặc sắc cũng được phá bỏ để xây dựng cao ốc văn phòng, thương mại…

“Cơn lốc đô thị hóa tràn lan hiện nay đã phá đi khá nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn. Việc cố gắng bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là nhằm xây dựng một không gian sống với chiều sâu ký ức”, TS Nguyễn Thị Hậu, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định.

Những ngôi nhà cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM) nằm trong dự án bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn.

Đứng trước nguy cơ đó, năm 2010, UBND TP.HCM đã có chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc thành phố, xác định các khu vực cần bảo tồn, trước mắt sẽ tập trung tại các quận 1, 3 và 5.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa – Viện nghiên cứu phát triển thành phố, thời gian qua TP.HCM đã có 2 đề án bảo tồn gồm: Quy hoạch chi tiết khu trung tâm thành phố hiện hữu (930 ha) và dự án Nghiên cứu bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn. “Các nghiên cứu này khá chi tiết và đã có một số đề xuất cho việc bảo tồn một số khu vực với các biện pháp tương đối cụ thể, tuy nhiên chưa được pháp lý hóa để quản lý”, ông Hòa nói.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, một khi mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đô thị và bảo tồn cảnh quan kiến trúc chưa được giải quyết hợp lý thì khó có thể thực hiện thành công những dự án này. “Chúng ta, những người tâm huyết với công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị cần tiếp tục phối hợp với nhau để thực hiện cho được sứ mạng cao cả mà các thế hệ người dân thành phố giao phó”, ông kêu gọi các nhà kiến trúc sư cùng hợp sức bảo tồn đô thị TP.HCM.

Đề xuất tuyển mộ chuyên nước ngoài về bảo tồn di sản

Tại hội thảo, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đề nghị một số giải pháp ứng xử với di sản kiến trúc đô thị thành phố.

Trước mắt, có thể thực hiện được ngay là quy hoạch và thành lập bản đồ vỉa hè, bản đồ cây xanh, xác định khu vực nào mở rộng, khu nào thu hẹp, vỉa hè nào cho phép bán hàng rong, họp chợ, khu vực nào cần bảo tồn, quy hoạch phố đi bộ…

Ông Dũng cũng đề xuất 3 khu vực phố đi bộ với các tên gọi khác nhau. Khu vực phố đi bộ mang tên “Sài Gòn ký ức” được giới hạn các tuyến đường xung quanh UBND và Bưu điện thành phố nhằm để tôn vinh ký ức di sản. Khu vực phố đi bộ mang tên “Sài Gòn sông” lấy đường Tôn Đức Thắng, bến Bạch Đằng, quảng trường Mê Linh làm trọng tâm, đồng thời cải tạo bờ sông để trở thành nơi thư giãn và ngắm nhìn.

Khu cuối cùng mang tên “Sài Gòn Kẻ Chợ” lấy trọn khu công viên 23/9 kết hợp với chợ Bến Thành để thu hút khách, mang chức năng di sản thương mại.

Về lâu dài, ông Dũng cho rằng, cần tạo ra các khu đô thị mới như Ngân hàng tài chính, đô thị khoa học, đô thị đại học, đô thị công nghiệp, đô thị cảng… tách rời hoàn toàn với khu vực bảo tồn sẽ giảm bớt nhà cao tầng ở khu vực di sản, giảm kẹt xe và tránh ngập lụt.

“Quan trọng hơn là thay đổi cơ bản về nhận thức, tôn trọng sự định hình của Sài Gòn xưa. Tập hợp các chuyên gia đa ngành, tâm huyết và chính trực làm việc để bảo vệ những di sản còn sót lại”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Sơn Nam cho rằng, TP.HCM cần phải tuyển mộ và đào tạo chuyên gia về bảo tồn di sản. Cụ thể, cần mời bổ sung các chuyên gia tư vấn quốc tế để về cùng tham gia các chương trình bảo vệ di sản và tham gia giảng dạy. Tiếp đó, cần phải đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, để sau này họ sẽ đóng vai trò đào tạo tiếp các chuyên gia bảo vệ di sản.

Mặt khác, KTS Nam cũng cho rằng, TP.HCM cần làm như Paris (Pháp) hay Montreal (Canada) là phải có khung pháp lý cấm xây dựng cao ốc ở khu lõi trung tâm để bảo vệ di sản kiến trúc. “Vì hiện nay việc xây dựng cao ốc ở khu vực lõi trung tâm thành phố quá dễ dàng. Toàn khu vực trung tâm thành phố Paris khoảng 100 km2 bao gồm 20 quận trung tâm, bao bọc bởi các tuyến đường vành đai cao tốc, được bảo vệ một cách nghiêm ngặt bởi quy định chi tiết cho từng thể loại công trình di sản”, ông Nam lý giải.

Còn KTS Lê Quang Ninh đề xuất, hình thành một “con đường Thiên Lý” để tìm đến di sản của vùng đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nhằm giữ trí nhớ, giữ “hồn vía” đô thị đã qua 300 năm hình thành và phát triển này.

· Tá Lâm