Niềm tự hào
Việc các công ty cạnh tranh để sản xuất hàng hóa cho hoàng gia là truyền thống có từ thế kỷ 12. Chứng quyền hoàng gia là một tài liệu cho phép các thương hiệu sử dụng quốc huy trong thiết kế sản phẩm, nếu họ cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ cho gia đình hoàng gia. Các doanh nghiệp coi đó là niềm vinh dự, giúp thúc đẩy công việc kinh doanh.
Để được đăng ký chứng quyền, doanh nghiệp phải cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ một cách thường xuyên và liên tục cho các hộ gia đình hoàng gia của người cấp phép (Nữ hoàng Elizabeth và Vua Charles) trong vòng ít nhất 5 năm, kể từ 7 năm trở lại đây. Các chứng quyền này có thời hạn tối đa là 5 năm và có thể gia hạn vào 1 năm trước khi hết hạn.
Đi kèm quốc huy hoàng gia sẽ là một dòng chú thích bên dưới, cho biết thành viên nào của gia đình hoàng gia đã cấp chứng quyền cho thương hiệu như “Được chỉ định bởi Nữ hoàng”.
Theo Hiệp hội Những người nắm giữ chứng quyền hoàng gia (RWHA), khoảng 20-40 chứng quyền được cấp mỗi năm. Hiện, có khoảng 875 thương hiệu hiện in huy hiệu hoàng gia trên bao bì.
Suốt thời gian qua, hàng trăm thương hiệu phục vụ Nữ hoàng Elizabeth II từ thời trang, xe cộ tới ăn uống, thậm chí cả thức ăn cho chó.
Riêng về túi xách, nữ hoàng Elizabeth II có hơn 200 chiếc, giá trung bình 2.376 USD. Tất cả được làm thủ công bằng da bê loại tốt nhất, kiểu dáng cổ điển. Hai mẫu được Nữ hoàng ưa thích là Traviata có giá 2.060 USD và Royale giá 2.242 USD.
Launer tự hào về việc cung cấp những chiếc túi xách hàng hiệu cho Nữ hoàng Anh kể từ năm 1968. Ngoài ra, nữ hoàng còn trao chứng nhận cho các thương hiệu Elizabeth Arden, Cadbury và Office Depot.
Burberry cũng là một nhà cung ứng lâu năm cho hoàng gia và thường in biểu tượng Nữ hoàng lên một số dòng áo khoác.
Liên quan tới xe, Bentley State Limousine là chiếc xe “cấp nhà nước” được hãng xe Bentley sản xuất hoàn thiện vào năm 2002, dành riêng cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II nhân dịp Nữ hoàng kỷ niệm 50 năm trị vì.
Rolls-Royce đã giới thiệu dòng Phantom IV State Landaulet cực hiếm - chỉ có 18 chiếc, dành cho các nguyên thủ quốc gia. Gia đình Hoàng gia Anh có cả chục chiếc Rolls-Royce Phantom, gồm dòng IV, V và VI. Ngoài ra, Nữ hoàng Anh sở hữu khoảng 30 chiếc Land Rover các loại.
Còn về ăn uống, hãng thực phẩm Heinz nổi tiếng với món tương cà chua, nước giải khát Coca-Cola đang được vinh dự này.
Tốn kém chi phí
Theo quy định, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, các thương hiệu này phải chờ sự chấp thuận của Vua Charles III. Nếu không có được con dấu chấp thuận, doanh nghiệp có hai năm để gỡ bỏ danh hiệu là nhà cung cấp ưu tiên cho hoàng gia.
Trước đó, ở vai trò thái tử, Vua Charles III đã ban lệnh của riêng mình cho 150 thương hiệu.
Theo New York Times, các doanh nghiệp còn phải thay thế hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II trong các ấn phẩm quảng cáo của mình. Những hình ảnh này dần phải thay thế bằng hình vua Charles III. Quá trình thực hiện sẽ tốn nhiều tiền bạc lẫn thời gian của doanh nghiệp.
Đơn cử như Heinz, thương hiệu này chỉ được phép sử dụng biểu tượng Nữ hoàng trong 2 năm tiếp theo, tùy trường hợp, sau đó họ sẽ phải thu hồi các chai tương cà để đổi sang sử dụng biểu tượng của vua Charles III.
Chuyên gia Mauro F.Guillen của trường đại học Cambridge nhận định, doanh nghiệp không chỉ phải thay đổi lọ tương cà mà còn phải đổi cả những chi tiết nhỏ nhất trong bao bì đóng gói.
Cựu bộ trưởng Norman Baker nhìn nhận, cái giá của chế độ quân chủ lập hiến là việc chính phủ phải thường xuyên tốn một khoản tiền để thay thế những hình ảnh nhà lãnh đạo cũ bằng người kế nhiệm. Việc tốn tiền này không thực sự đem lại những lợi ích kinh tế cho người dân.
Ngoài các doanh nghiệp, nước Anh còn tốn thêm nhiều chi phí để xử lý 4,7 tỷ đồng tiền giấy có in hình Nữ hoàng đang lưu thông tại Anh, với tổng giá trị 82 tỷ Bảng.
Đồng thời, ngân hàng nước này còn buộc thu hồi khoảng 29 tỷ đồng xu in hình Nữ hoàng đang lưu thông trên thị trường với 5 phiên bản hình ảnh được thiết kế khác nhau cho từng độ tuổi và quãng thời gian của Nữ hoàng. Dù không có một con số chính xác, ước tính Anh sẽ tốn khoảng 600 triệu Bảng để đúc tiền mới.