HĐND TP Hà Nội vừa thông qua đề án thành lập quận Đông Anh với 24 phường. Theo lộ trình đến năm 2025, Thủ đô sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đưa 4 huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì lên quận.
Sau khi HĐND TP Hà Nội thông qua đề án, các sở ngành tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định lập quận Đông Anh trong năm 2023.
Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có.
Trong tương lai, quận Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.
Hiện nay, TP Hà Nội cũng đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ đề án thành lập quận Gia Lâm vào cuối năm 2023.
Trong thời gian này, Gia Lâm tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng để đáp ứng đủ tiêu chí huyện lên quận và xã lên phường.
Cuối tháng 3/2023, các sở ngành của TP Hà Nội "chấm điểm" huyện Gia Lâm đạt được mức "tối thiểu" để thành lập quận. Cụ thể, với nhóm cơ sở hạ tầng đô thị, huyện Gia Lâm đạt 24/25 tiêu chí.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận. Trong đó, sẽ hoàn thiện đề án đưa Hoài Đức lên quận trước, sau đó đến Thanh Trì (dự kiến năm 2024), Đan Phượng (hoàn thiện đề án vào năm 2025).
Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định quận phải đảm bảo 27 tiêu chí như: Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; Diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên; Số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên; Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định…
Ngoài ra, để có thể được chuyển từ huyện lên quận, các địa phương phải đạt các tiêu chí về kinh tế - xã hội như: Cân đối thu chi ngân sách phải dư; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất phải đạt bình quân của TP trực thuộc Trung ương; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%; Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 95% trở lên.
Như vậy, để lên quận, các huyện ngoại thành Hà Nội phải tập trung nguồn lực đáp ứng 27 tiêu chí theo quy định. Trước đó, vào giữa năm 2022, các sở ngành của TP Hà Nội "chấm điểm" Hoài Đức đạt 22 tiêu chí, Thanh Trì đạt 24 tiêu chí, Đan Phượng đạt 21 tiêu chí thành lập quận.
Huyện Gia Lâm có diện tích trên 116km2, dân số khoảng 280.000 người với 20 xã và 2 thị trấn. Huyện Hoài Đức có diện tích 84km2, dân số khoảng 276.000 người với 1 thị trấn và 19 xã.
Huyện Thanh Trì có diện tích 63km2, dân số khoảng 289.000 người với 1 thị trấn và 15 xã. Huyện Đan Phượng có diện tích 78km2, dân số khoảng 167.000 người với 1 thị trấn và 15 xã.
Hiện tại Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Trong đó, 12 quận gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân.
Ngoài nỗ lực đưa 5 huyện lên quận, thời gian tới, Hà Nội còn tập trung nguồn lực xây dựng 2 thành phố trực thuộc: Thành phố ở phía Bắc sông Hồng (Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) và thành phố ở phía Tây thuộc khu vực Hoà Lạc (Quốc Oai, Thạch Thất).
Thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài làm trung tâm phát triển của thành phố này.
Thành phố phía Tây được định hướng là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.