Sau khi Apple giới thiệu iPhone 14 series trong sự kiện "Far Out", từ khóa Dynamic Island lập tức phủ sóng trên các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Phần màn hình xung quanh cụm camera trước được hãng tận dụng để hiển thị nhiều thông tin tùy vào ngữ cảnh, như một cách giảm sự khó chịu với phần khiếm khuyết nằm giữa màn.
Khi người dùng trở về màn hình chính khi đang nghe nhạc, Dynamic Island sẽ tự động kéo dài để hiển thị thêm hình ảnh bìa album ca khúc đang nghe. Từ phần khuyết tưởng chừng vô dụng, Táo khuyết tận dụng triệt để khu vực này, hiển thị nhiều tính năng từ cuộc gọi, Face ID, đặt lịch hẹn hay chỉ dẫn đường bằng GPS.
Không thể phủ nhận cách Apple tận dụng và khéo léo tận dụng phần khuyết từng bị người dùng trên Android phàn nàn. Tuy nhiên, Táo khuyết không phải là người đầu tiên nảy sinh ý tưởng khai thác phần khuyết.
Dynamic Island - điểm nhấn trên iPhone 14 Pro/Pro Max tại sự kiện ra mắt. Ảnh: Apple. |
"Bình mới rượu cũ" từ Android
Trong thế giới smartphone, LG là một trong những công ty liên tục thử nghiệm tính năng mới và nhiều lần đi trước đối thủ. Năm 2015, LG V10 giới thiệu cụm camera kép phía trước, bao gồm một camera thường và một camera góc siêu rộng để chụp ảnh selfie nhóm. Ý tưởng về màn hình phụ cũng từ đây xuất hiện.
Việc trang bị màn hình phụ, luôn hiển thị các thông tin cơ bản (ngày, giờ), bật, tắt những cài đặt cơ bản ngay cả khi màn hình khóa đem đến sự tiện lợi lớn. Thiết kế được đánh giá đột phá và nếu so sánh với Dynamic Island, có thể thấy LG đã đi trước thời đại.
Thật không may cho LG, có vẻ như tính năng đột phá như vậy đã đi quá xa so với thời điểm ra mắt. Nhiều người dùng khi ấy nhận xét màn hình phụ là không cần thiết bởi chiếm dụng vị trí trên màn hình. Ở mức độ nào đó, một số người có thể cảm thấy đây chỉ đơn thuần là sự phô trương công nghệ của hãng Hàn Quốc.
Màn hình phụ trên LG V10 hoạt động theo đúng cái tên, ngoại trừ việc nhỏ hơn và hơi cồng kềnh khi sử dụng. LG đã cố gắng biến nó trở thành một màn hình thứ hai với các phím tắt và ứng dụng. Điều này không cần thiết bởi có một màn hình lớn hơn nhiều bên dưới mà người dùng có thể dễ dàng sử dụng.
Phần màn hình phụ trên LG V10 có thể dùng cho nhiều chức năng, như trong ảnh này là để chọn chế độ quay, chụp. Ảnh: The Verge. |
Apple rút kinh nghiệm triệt để từ định hướng sai lầm của người tiền nhiệm. Theo những hình ảnh từ video của hãng, Dynamic Island hầu như không tạo ra bất kỳ sự phiền toái nào. Người dùng có thể tương tác với nó như chạm để khởi chạy ứng dụng đang hiển thị hoặc nhấn giữ để hiển thị các điều khiển bổ sung mà không cần khởi chạy.
Dynamic Island vẫn có những công dụng riêng, như điều khiển bài nhạc và nhắc nhở lịch trình, nhưng không yêu cầu người dùng phải tương tác và chỉ chiếm một chút diện tích trên màn hình cho các tính năng mà không phải ai cũng có thể muốn hoặc cần sử dụng.
Bên cạnh đó, công dụng chính của Dynamic Island chỉ nhằm để truyền tải thông tin. Đó chính xác là ranh giới thành công của Apple trong khi LG thất bại nặng nề.
Ngoài ra, hệ sinh thái của Apple cũng là một nguyên nhân lớn. Thế giới Android có hàng chục nhà sản xuất khác nhau và vô số thiết kế riêng biệt. Vì thế, các nhà phát triển không muốn mạo hiểm để tạo ra các ứng dụng thiết kế xung quanh một tính năng hoàn toàn có thể bị khai tử chỉ trong vài tháng.
Samsung cũng từng tích hợp các tính năng đặc biệt vào phần cong trên Note Edge, chiếc điện thoại đầu tiên của hãng có màn cong. Ảnh: Cnet. |
Câu chuyện với Apple lại rất khác. Mỗi chiếc iPhone đều có vòng đời sử dụng lâu dài trong nhiều năm, đồng nghĩa các nhà phát triển có thể tạo ứng dụng hỗ trợ Dynamic Island mà không phải lo lắng Apple có thể khai tử nó trong một hoặc hai thế hệ tiếp theo.
Thêm vào đó, như đã đề cập, Dynamic Island thiên về truyền tải thông tin hơn là hoạt động như một tính năng tương tác. Do đó, ngay cả khi không phải tất cả ứng dụng đều hỗ trợ màn hình này, nó sẽ không phải vấn đề quá lớn.
LG đã thất bại với LG V10m nhưng không thể phủ nhận sự thật hãng đã có một bước phá cách so với các sản phẩm cùng thời. Đó cũng chính là nguyên liệu giúp các công ty như Apple tạo ra bước đột phá về tính năng mà chúng ta đang thấy ngày nay.
Sự khác biệt của Apple và thế giới Android
Thiết kế này không phải là thứ gì đó mới mẻ với người dùng smartphone. Hầu hết flagship chạy Android đều đã giới thiệu phần khuyết dạng viên thuốc hoặc chấm tròn từ cách đây vài năm trước.
Camera trước dạng viên thuốc từng xuất hiện trên Android cách đây vài năm, giờ được Apple tái định nghĩa với cái tên chính thức Dynamic Island. Ảnh: TechRushi. |
Apple tuy đi sau, nhưng hãng đã làm mới phần màn hình vốn là một khiếm khuyết, không hoàn hảo. Đây cũng là cách làm rất quen thuộc của Táo khuyết, biến tính năng đã từng bị các nhà sản xuất điện thoại Android trở thành điểm nhấn trên sản phẩm của hãng. Không còn là thứ gây khó chịu cho người dùng, Dynamic Island biến phần khuyết trở thành nơi phô diễn sức sáng tạo của Apple.
Phần “viên thuốc” của iPhone 14 Pro/Pro Max còn lớn hơn đáng kể các đối thủ Android. Nguyên nhân là cụm này chứa các linh kiện phức tạp như máy chiếu tia, đèn hồng ngoại, cảm biến và camera trước nhằm hỗ trợ công nghệ nhận diện FaceID.
Trong khi Samsung, Xiaomi hay Oppo đã tiến đến những cải tiến như màn hình đục lỗ và thậm chí là camera ẩn dưới màn hình nhằm thu nhỏ đến tối đa phần khuyết trên màn hình, Apple đã chọn cho mình một hướng đi rất khác biệt. Apple đi sau về công nghệ, nhưng lại trở thành kẻ dẫn đầu khi bán hàng, cái đích mà mọi nhà sản xuất đều hướng tới.
(Theo Zing)
Fan Xiaomi đòi hãng làm Dynamic Island giống iPhone 14 Pro Max
Trong một cuộc khảo sát trên diễn đàn người dùng Trung Quốc, có hơn 60% tài khoản tham gia ủng hộ việc Xiaomi thêm tính năng giống Dynamic Island vào điện thoại của hãng.