“Bài toán” nội địa hóa ô tô

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Bộ đề ra mục tiêu 30-40% vào năm 2020, 40-45% vào năm 2025 và 50-55% vào năm 2030, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. 

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy Toyota

Để tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô, doanh nghiệp phải đạt chứng chỉ IATF 16949 (chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho ngành ô tô). Theo thống kê, trên thế giới vào năm 2015 có hơn 60 nghìn chứng chỉ. Trong khi đó, đến năm 2021, Việt Nam mới có 21 công ty đạt chứng chỉ IATF 16949. Hiện có ít nhà đầu tư Việt Nam bỏ vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp ô tô nỗ lực đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ví dụ như Toyota Việt Nam có các mẫu xe lắp ráp đạt doanh số cao, được tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. 

Chiến lược nội địa hóa của các doanh nghiệp được thực hiện theo lộ trình, ưu tiên những linh kiện có sản lượng lớn, kích cỡ lớn, chi phí vận chuyển lớn và có sẵn nguồn nguyên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó là các nhóm sản phẩm được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển. Đồng thời doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng.

Toyota không ngừng nỗ lực gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

Bước đi quyết đoán của Toyota Việt Nam

Với Toyota Việt Nam, doanh nghiệp này không ngừng đưa ra các sáng kiến, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giải quyết “bài toán” về linh kiện và từng bước đưa doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung cấp. Cụ thể, từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách, hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam. Một đội ngũ chuyên gia được cử đến làm việc với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước để phát triển sản xuất linh kiện; qua đó giúp họ nâng cao hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. 

Toyota Việt Nam cũng đặt mục tiêu dài hạn là không ngừng tăng thêm số lượng nhà cung cấp cũng như tăng thêm linh kiện nội địa hóa. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà cung cấp, tăng cường quản lý chất lượng, hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, đóng góp cho ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô Việt Nam. 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Toyota Việt Nam cam kết sẽ tăng thêm những mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước. Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2022 vừa diễn ra, Toyota Việt Nam công bố việc chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp bộ đôi Veloz Cross và Avanza Premio. Việc chuyển đổi từ nhập khẩu sang sản xuất, lắp ráp trong nước giúp Toyota Việt Nam chủ động hơn trong việc cải thiện nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Không những thế, có thêm xe lắp ráp trong nước, nhà máy Toyota Việt Nam tăng thêm 7 nhà cung cấp, đạt con số 58 nhà cung cấp linh phụ kiện; số lượng nhà cung cấp thuần Việt cũng tăng gấp đôi từ 6 lên 12. Tổng số linh kiện nội địa hóa đạt 740 sản phẩm, con số tăng thêm là 16. 

Vì thế, việc chuyển sang lắp ráp bộ đôi Veloz Cross, Avanza Premio không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng Toyota mà còn mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp trong nước và thúc đẩy nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp trong nước trở thành đối tác của thương hiệu sản xuất ô tô toàn cầu. 

Từ tháng 12/2022, Veloz Cross và Avanza Premio được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam

Tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công Nghiệp (Bộ Công thương) đã ký kết Biên bản ghi nhớ “Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô” giai đoạn 2022 - 2023. Dự án này sẽ kết nối và hỗ trợ các nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, nhằm tăng các nhà cung ứng nội địa và linh kiện sản xuất trong nước. Đây là năm thứ 3 Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, năm nay, Toyota Việt Nam triển khai hoạt động hỗ trợ tới 4 doanh nghiệp ngoài hệ thống Toyota bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ tạo ra sự lan tỏa và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thực hiện thành công nội địa hóa giúp cho ngành công nghiệp ô tô vươn lên làm chủ công nghệ, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước và tăng năng lực cạnh tranh, từ đó tạo điều kiện để giảm giá thành sản phẩm.  

Mạc Ngọc