Theo đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, cơ quan này đang theo dõi  sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước.

Theo đổi với báo chí, đại diện UBCK cho biết, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh. Thị trường giảm trước nhiều tác động, từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...

VN-Index giảm mạnh và đang hướng về ngưỡng 1.200 điểm.

Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để bàn thảo các giải pháp giúp thị trường vượt qua khó khăn. Cơ quan quản lý đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

UBCK cho biết, sẽ tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả.

Thông điệp được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán giảm khoảng 19% so với hồi đầu tháng 4 và tiếp tục giảm sâu 27 điểm trong phiên sáng 13/5.

Trước đó, TTCK được kỳ vọng sẽ tăng tiếp trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Về trung và dài hạn, các cơ quan chức năng đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn. 

Các cơ quan sẽ rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

Lãnh đạo UBCK khẳng định, trong thời gian tới, Ủy ban sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư. 

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. 

"Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra" – lãnh đạo UBCKNN nói.

Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư, để gia tăng nền tảng kiến thức tài chính, chứng khoán, hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và chuyên nghiệp hơn.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc điều chỉnh chỉ mang tính ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn.

Sáng 13/5, đa số các cổ phiếu trên 3 sàn chứng khoán tiếp tục giảm. Chỉ số VN-Index tính tới 11h20 giảm hơn 26 điểm về gần ngưỡng 1.210 điểm. Chỉ số này đã giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 4.

M. Hà

VN-Index giảm hơn 60 điểm, cắm đầu hướng xuống mốc 1.200 điểm

VN-Index giảm hơn 60 điểm, cắm đầu hướng xuống mốc 1.200 điểm

Áp lực bán không quá lớn nhưng lực cầu thấp trong bối cảnh sự thận trọng bao phủ thị trường chứng khoán đã khiến chỉ số VN-Index gần cuối phiên sáng 12/5 giảm gần 30 điểm xuống ngưỡng 1.270 điểm.