- Là phụ huynh học sinh, chứng kiến những luồng dư luận đa chiều về sự tồn tại của ban đại diện CMHS, dù sao tôi cũng thấy mình may ...

Tôi từng ước mơ được đề cử

Nhiều năm trước, khi con trai lớn chuẩn bị vào lớp 1, tôi nói với chồng: Em muốn vào hội phụ huynh của lớp. Như vậy mới có điều kiện gần gũi cô giáo và cô sẽ quan tâm đến con mình hơn. Chồng tôi cười và bảo: “Ai cũng nghĩ như em thì còn lâu mới đến lượt em làm.”

Quả thật, khi buổi họp phụ huynh đầu năm học diễn ra, ý định tranh cử một chân trong ban phụ huynh lớp của tôi tan thành mây khói. Cô giáo chủ nhiệm đã đề cử ba phụ huynh, những người trước đó thường xuyên đến lớp tiếp xúc, trò chuyện với cô giáo, thậm chí là ủng hộ tiền bạc cho các hoạt động đầu năm khi lớp chưa có quỹ.

{keywords}

Dĩ nhiên là tôi và các phụ huynh khác không thể sánh bằng những vị cha mẹ mẫn cán, quan tâm đến lớp và cô giáo như vậy. Đáp lại câu hỏi: Các bác có ý kiến gì không - là sự im lặng biểu thị đồng ý hoặc những tiếng hô “nhất trí” nhẹ nhàng. Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đã được thành lập đơn giản như thế!

Một vị phụ huynh khác nói nhỏ với tôi: Ai làm đại diện phụ huynh lớp cũng được, miễn sao phải có thời gian và dư dả vật chất để chăm lo cho các hoạt động tập thể của cả cô và trò.

Lúc ấy, tôi cũng thấy mình thật sự không đủ tiêu chuẩn để trở thành đại diện ban phụ huynh. Bởi là đại diện phụ huynh của lớp, trước hết bạn phải có đủ thời gian để tham gia những hoạt động của lớp, của trường, phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động vui chơi trong những dịp lễ, tết như Tết trung thu, ngày 20/10, ngày 20/11, ngày No-el, tết âm lịch… và rất nhiều hoạt động đột xuất khác nữa. Với một người làm công ăn lương, giờ giấc hành chính thì việc tham gia những hoạt động như này thực sự không dễ thu xếp.

Ngoài thời gian, bạn cũng phải là một người có kinh tế tương đối ổn định để làm “mạnh thường quân” tài trợ cho những hoạt động tập thể của lớp. Tất nhiên điều này không ai ép buộc nhưng rõ ràng nếu bạn thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của mình thì sẽ nhận được sự tín nhiệm của giáo viên và các vị phụ huynh khác.

Thực tế, những năm con học mẫu giáo, tôi vẫn thường thấy các bác trong ban đại diện CMHS được nêu gương trong các cuộc họp phụ huynh là đã ủng hộ lớp một khoản tiền để góp thêm cho quỹ lớp, nhờ đó việc chi tiêu cho các hoạt động được thoải mái hơn.

“Ôm rơm…”

Một lần, tôi tình cờ gặp lại vị phụ huynh đã từng là trưởng ban đại diện CMHS hồi con học lớp 1. Trong ấn tượng của tôi, anh là một người vô cùng mẫn cán và quan tâm chăm lo đến các hoạt động của lớp. Tôi hỏi anh dạo này còn tham gia hội phụ huynh nữa không? Anh bảo làm hết năm học đó là thấy “sợ” rồi. Cứ tưởng là trưởng ban phụ huynh đơn giản chứ thực tế đau đầu lắm.

Hồi ấy, cô giáo chủ nhiệm lớp còn rất trẻ, mới ra trường nên chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý. Học sinh lớp 1 lại chưa quen nề nếp, môi trường mới, lớp lại đông con trai nên rất hiếu động. Hầu như ngày nào anh cũng đến đón con từ sớm để quan sát lớp, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý lớp. Khi lớp vừa ổn định, cô giáo quen học trò, học trò quen cô giáo thì giáo viên chủ nhiệm lớp lại chuyển trường, tiếp nhận lớp là một cô giáo mới cũng còn khá trẻ.

Sự thay đổi giáo viên chủ nhiệm khiến nhiều phụ huynh bức xúc, lo lắng việc học tập của con bị ảnh hưởng, nhiều người yêu cầu nhà trường phải cử giáo viên có kinh nghiệm lâu năm làm chủ nhiệm lớp. Anh bảo, là trưởng ban phụ huynh mình vừa phải lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của các phụ huynh trong lớp, vừa phải đối thoại với nhà trường để tìm cách giải quyết cho êm thấm.

Đó cũng là thời điểm anh cảm thấy rõ áp lực và trách nhiệm của trưởng ban phụ huynh đối với các vị phụ huynh khác và việc học tập của các học sinh. Với anh đó là những kỷ niệm đáng nhớ và anh luôn nghĩ rằng trưởng ban phụ huynh là một công việc vất vả, cần có sự nhiệt tình, tâm huyết thực sự mới làm tốt được.

Ban đại diện CMHS thường được nhắc đến với các khoản thu quỹ lớp, quỹ trường, các khoản thu ngoài quy định. Tuy nhiên, không phải lúc nào các đề xuất thu chi của ban đại diện CHMS cũng nhận được sự đồng tình.

Tôi nhớ một buổi họp phụ huynh của con ở trường mầm non, khi cô giáo nhận xét về tình hình của các con thì phụ huynh rất nghiêm túc, trật tự. Nhưng khi chuyển sang chủ đề thu tiền quỹ, nhất là khi vị phụ huynh được “đề cử” làm đại diện phụ huynh của lớp nêu ý kiến mỗi phụ huynh nên đóng thêm 100.000 đồng tiền quỹ để phục vụ việc chi tiêu các hoạt động chung thoải mái hơn và tặng quà cho các cô giáo nhân các ngày lễ, tết… thì không khí sôi động hẳn lên.

Những ý kiến đồng tình, phản đối, phân tích cần hay không cần, nên hay không… khiến cả vị đại diện phụ huynh và các cô giáo cũng thấy ái ngại. Cuối cùng vị phụ huynh này phải khép lại câu chuyện nộp thêm tiền quỹ, khẳng định đây chỉ là ý kiến của cá nhân chị và các phụ huynh không đồng ý thì lớp sẽ không thực hiện. Các cô giáo cũng thở phào nhẹ nhõm vì bản thân các cô không mong muốn được nhận quà của phụ huynh...

Câu chuyện này cho thấy công việc của một trưởng ban đại diện CMSH thật không dễ dàng.

  • Quyên Đỗ