Mở màn triển khai xử lý rác thải nhựa tại Đồng bằng sông Cửu Long
Sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để làm sạch, hướng đến mục tiêu chung: ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương, với bước tiếp cận đầu tiên là xử lý rác thải trên các con sông, nằm trong khuôn khổ hợp tác toàn cầu của Coca-Cola và tổ chức The Ocean Cleanup.
Được công bố vào năm 2019, hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor™ là giải pháp công nghệ tiên phong có khả năng triển khai trên diện rộng để ngăn chặn rác thải từ sông ngòi đổ ra đại dương. Cỗ máy vận hành bằng năng lượng mặt trời này có thể thu gom đến 50.000kg rác trên sông mỗi ngày. Sau nhiều năm lên kế hoạch, hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor 003 (hay còn gọi là René) đã được hạ thủy trên sông Cần Thơ để thử nghiệm vào tháng trước và sẽ đi vào hoạt động một cách toàn diện trong vài tháng tới.
Interceptor™ được kỳ vọng góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm tại nhiều con sông lớn |
Là một phần của dự án, Coca-Cola Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển các giải pháp quản lý rác thải nhựa sau khi thu gom, tìm kiếm và kêu gọi sự tham gia của các tổ chức địa phương có tiềm năng.
Ông Boyan Slat, nhà sáng lập kiêm CEO của The Ocean Cleanup cho biết: “Nhiệm vụ của The Ocean Cleanup là loại bỏ rác thải nhựa khỏi các đại dương. Tôi rất vui mừng với bước tiến mới cùng Coca-Cola trên hành trình giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa phức tạp trên diện rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương. Đây là một tin vui cho các đại dương”.
Kế hoạch cho hành trình “Vì một thế giới không rác thải”
Việc triển khai dự án làm sạch sông ngòi ở Việt Nam lần này được thực hiện với sự hỗ trợ của UBND TP. Cần Thơ và Sở Tài nguyên & Môi trường Cần Thơ (Sở TN&MT). Bên cạnh làm sạch sông Cần Thơ, hai bên cũng đang làm việc với Sở TN&MT và các đơn vị quản lý tại địa phương để nghiên cứu về phương án xử lý rác sau khi thu gom, từ đó mở rộng quy mô dự án một cách phù hợp.
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng dự án sẽ góp phần quan trọng giúp thành phố nâng cao năng lực và hiệu quả trong công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trên một số tuyến sông lớn tại TP. Cần Thơ. Đồng thời, cũng góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đến 2030, Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đạt được điều đó, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay góp sức từ các tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân cũng như người dân Cần Thơ đối với các dự án bảo vệ môi trường như thế này, giữ vững danh hiệu “Thành phố ASEAN bền vững về môi trường” - là kết quả đáng ghi nhận mà thành phố Cần Thơ đã vinh dự nhận được”.
Đội ngũ The Ocean Cleanup tại Cần Thơ, Việt Nam |
Dự án này là một phần quan trọng thuộc chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” mà Coca-Cola đang nỗ lực một cách toàn diện để đảm bảo tất cả các vật liệu dùng cho bao bì đều được thu gom và tái chế thay vì trở thành rác thải. Coca-Cola đã đặt mục tiêu toàn cầu: đến năm 2030 có thể thu gom và tái chế mọi vỏ chai và lon mà công ty bán ra.
Hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor 003 được hạ thủy trên sông Cần Thơ |
Tại Việt Nam, Coca-Cola đang tích cực hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp thu gom, tái chế phù hợp với từng địa phương. Coca-Cola Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organization Viet Nam - PRO Việt Nam), một sáng kiến hợp tác với nhiều công ty hàng đầu khác, các đơn vị tái chế và các cơ quan chính phủ nhằm thúc đẩy nỗ lực thu gom và tái chế bao bì trong nước, hướng tới một Việt Nam sạch và xanh.
Ông Leonardo Garcia, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam và Cam-pu-chia, cho biết: “Hiện nay vỏ chai và lon của chúng tôi vẫn được tìm thấy trong số rác thải nhựa đại dương. Và chúng tôi không thể thỏa hiệp với thực trạng này. Coca-Cola mong muốn hỗ trợ các đối tác, giúp phát triển các công nghệ làm sạch đại dương và sông ngòi, trong đó có lưu vực sông Mê Kông - một trong những hệ thống sông lớn tại khu vực Đông Nam Á đang đổ ra các đại dương. Thông qua công nghệ mới và các mối quan hệ hợp tác chiến lược, Coca-Cola đang nỗ lực đóng góp những giải pháp bền vững cho việc thu gom và tái chế chai nhựa tại Việt Nam theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Vì thế, chúng tôi rất phấn khởi khi hợp tác cùng tổ chức The Ocean Cleanup. Bắt đầu từ dòng sông Cần Thơ hiền hòa, chúng tôi tin rằng những dự án chung của hai bên sẽ thật sự tạo ra những tác động bền vững trong thời gian tới.”
Ngọc Minh