Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái

Sáng 7/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Việt Nam có hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên, như: sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng... Hầu hết các loài thảo dược quý, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh, ở các đai độ cao khác nhau và các độ tàn che khác nhau. Cho đến nay, cả nước có khoảng 14,79 triệu ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, chiếm gần 70% diện tích rừng của cả nước. Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng.

Chỉ riêng năm 2020, nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng của nước ta gồm: dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon; dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại giá trị khoảng 39.039 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch sinh thái đạt 2.022 tỷ đồng.

Để Sâm Lai Châu vươn xa

Riêng tại tỉnh Lai Châu với tổng diện tích rừng hiện có là 472.676,04ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 450.392,33ha, tỷ lệ che phủ rừng 51,87% là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Cây sâm Lai Châu

Diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm khoảng 13%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 900 - 1.400m khoảng 29%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 1.400m đến trên 3.100m khoảng 32%, phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao. Năm 2022, tỉnh Lai Châu có trên 11.000ha các loại cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan Kim Tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô...

Phát huy tiềm năng thế mạnh, hiện Lai Châu tập trung phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Giai đoạn 2011 - 2020 đã thu hút được hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh, năm 2022 du lịch Lai Châu đón khoảng 762.000 lượt khách du lịch (trong đó: khách nội địa 758.800 lượt; khách quốc tế 3.200 lượt); tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2011 - 2020 đạt 3.188 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 đạt trên 550 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình du lịch Lai Châu giai đoạn 2010 - 2020 đạt 14,9%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,59%/năm, khách du lịch nội địa đạt 17,32%/năm.

Tỉnh Lai Châu mong muốn các chuyên gia, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Lai Châu.

Cụ thể với các vấn đề như: các định mức kinh tế - kỹ thuật trồng sâm Lai Châu phù hợp với tuổi cây giống (1 năm, 2 năm, 3 năm tuổi) và phương thức canh tác (trồng trên đất trống, nhà màng, nhà lưới; trồng dưới tán rừng; trồng tại các đám trống xen kẹp trong rừng) và quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với từng loại định mức; kinh nghiệm trong cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu, phát triển nguồn giống cây dược liệu nói chung và sâm Lai Châu nói riêng; kỹ thuật canh tác, nuôi trồng dược liệu không làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng, khả năng phòng hộ của rừng.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV